Trong cụm ngành xuất bản, in và phát hành thì ngành in luôn dẫn đầu về doanh thu qua từng năm. Tuy nhiên, từ việc chiếm 65% thị phần doanh thu ngành in cả nước cách đây hơn 10 năm, hiện ngành in TPHCM chỉ còn giữ khoảng 50% thị phần. Điều này đang đặt ra cho ngành in TPHCM những thách thức không nhỏ, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Nguy cơ tụt hạng
Trong hội thảo chuyên đề về “Khung năng lực số ngành in” do Sở TT-TT TPHCM tổ chức mới đây, PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TPHCM, đã chỉ ra một thực tế, nếu trước đây, lĩnh vực in xuất bản phẩm chiếm từ 65%-70% tỷ trọng ngành in, thì hiện nay con số này chỉ còn hơn 10%.
“Ngành in thế giới từ lâu đã chia thành 3 mảng rõ rệt với các chính sách quản lý khác nhau là: in xuất bản phẩm, in thương mại, in công nghiệp. Trong khi đó, các chính sách quản lý của chúng ta lại chủ yếu tập trung vào quản lý in xuất bản phẩm.
Như vậy, với sự sụt giảm của mảng in xuất bản phẩm, chúng ta hiện chỉ quản lý được hơn 10% cả ngành in, còn in thương mại và công nghiệp lại bỏ trống, không có chính sách cụ thể để hỗ trợ. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến ngành in thiếu đi sức phát triển mạnh mẽ, nhất là đối với thị trường in ở TPHCM”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, một thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang dịch chuyển sang Việt Nam. Có điều, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ, cụ thể là với lĩnh vực in công nghiệp. Do đó, ngoại trừ những doanh nghiệp xuất khẩu, còn gần như nhiều doanh nghiệp ngành in Việt Nam chưa có đủ năng lực để tiếp cận với sự chuyển đổi khối lượng hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam, dẫn đến bỏ phí rất nhiều cơ hội.
“Cơ cấu sản xuất của ngành in đang dịch chuyển dần từ TPHCM sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp ở đây. Ở phía Bắc cũng vậy, các nhà máy lớn của Trung Quốc cũng được mở ra nhiều, tạo cơ hội lớn cho các đơn vị in công nghiệp phát triển mạnh. Nếu không nhanh chóng có sự thay đổi, ngành in thành phố sẽ đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường in công nghiệp này”, một thành viên của Hội In TPHCM cho biết.
Yêu cầu bắt buộc
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành in cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang đón đầu những cơ hội tốt như việc Việt Nam đã và đang ký kết tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Thêm vào đó, ngành in được xem là ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện diện trong phần lớn các ngành nghề, hầu như mọi sản phẩm đều có dấu ấn của ngành in. Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, dư địa cho việc phát triển của ngành in TPHCM còn rất lớn.
“Để dư địa phát triển này biến thành lợi ích thực tế, buộc ngành in TPHCM phải bước chân vào thị trường toàn cầu. Ngành in được xem là ngành công nghiệp hỗ trợ, phải có chân trong chuỗi cung ứng in toàn cầu mới có thể vươn ra được với thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết.
Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hồi, thời gian tới, Sở TT-TT TPHCM sẽ tạo điều kiện để Hội In TPHCM có thể tham gia các hội chợ, triển lãm trong khu vực cũng như trên thế giới để từng bước xúc tiến, quảng bá cho những sản phẩm in của thành phố ra thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi nói thêm: “Theo đánh giá của Hiệp hội In TPHCM, ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, ngành in của ta cũng chỉ xếp hạng 4, chứ chưa nói đến quy mô toàn cầu. Điều này cho thấy nếu chúng ta dừng lại, không chuyển đổi, không có chính sách cho việc quảng bá, phát triển thì chúng ta còn tụt hạng hơn nữa. Hành trình chuyển đổi số không phải dễ dàng, nhưng chúng ta đang ở tình thế buộc phải làm”.
Không chỉ tham gia vào công cuộc chuyển đổi số mà hiện nay, một yêu cầu bắt buộc đối với ngành in là phải tham gia vào chuyển đổi xanh mới có cơ hội tiếp cận được thị trường đầy rộng mở và tiềm năng để cùng phát triển.
Lý giải về điều này, PGS-TS Ngô Anh Tuấn cho biết: “Chuyển đổi xanh nằm trong chủ đề phát triển bền vững, mà muốn vậy phải đảm bảo 2 yếu tố: liên tục đổi mới công nghệ để sản xuất với chi phí thấp và tiêu thụ năng lượng ít hơn so với các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, từ năm 2024, để hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế, ngành in còn buộc phải tuân thủ những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường”.
“Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình mà chiến lược đề ra. Các tổ chức nước ngoài sẽ căn cứ theo lộ trình đó để quyết định việc hợp tác. Muốn làm ăn với họ, chúng ta phải giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, cũng như sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại sao cho giảm năng lượng tiêu thụ ở mức thấp nhất để thân thiện với môi trường”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.
HỒ SƠN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nganh-in-tphcm-den-luc-phai-chuyen-minh-post763083.html