Hoạt động dưới công suất
Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam Đinh Quang Huy cho biết, tổng công suất thiết kế gạch ốp lát hiện là 839 triệu m2, sứ vệ sinh 26 triệu sản phẩm. Với công suất này, ngành sản xuất gốm sứ Việt Nam đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4 thế giới. Trước dịch Covid-19, doanh thu toàn ngành đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng từ năm 2022 đến nay, sản lượng sản xuất thực tế sa sút, chỉ đạt 55 – 60% công suất.
Theo báo cáo thống kê, tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 511,5 triệu USD, trong đó gạch ốp lát đạt 231,4 triệu USD, sứ vệ sinh 164 triệu USD, còn lại là xuất khẩu nguyên liệu và men frit, đến quý I/2024, xuất khẩu đạt 110,5 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát đạt 188 triệu m2 gạch và 5,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh.
Nguồn nguyên liệu như đất sét, cao lanh… khan hiếm dần, trong đó các nhà máy hầu như không có mỏ nên đều phải mua gom. Các DN gặp khó khi đi thu mua nguyên liệu tại các vùng Hải Dương, Bắc Giang…
Giá gạch ốp lát và sứ vệ sinh không tăng nhưng giá nguyên nhiên liệu tăng cao. Than cục tăng từ 3,75 triệu VNĐ/tấn lên 7 triệu đồng/tấn, và hiện còn 6 triệu đồng/tấn, than cám từ 2 triệu tăng lên 4 triệu đồng/tấn, khí mỏ 8,8 USD/1 triệu MMBtu đã tăng lên 14,7 USD/1 triệu MMBtu (1 MMBtu = 28,26m3).
“Thị trường bất động sản từ sau đại dịch đến nay ngưng trệ vì nhiều lý do, trong đó có nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý nên các dự án phải nằm chờ dài ngày. Hoạt động xây dựng bất động sản rời rạc kéo theo nhiều ngành nghề cũng bị ngừng, lao động không có việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội” – ông Đinh Quang Huy chia sẻ.
Trên các con phố như Hoàng Quốc Việt, Đê La Thành, Cát Linh, Đại Mỗ…, trong hơn một tháng qua, nhiều chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đứng ngồi không yên vì vắng khách dù đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi trước thời điểm tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch).
Ông Đức Dũng – chủ một cửa hàng kinh doanh gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh trên đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, khoảng hơn nửa tháng qua luôn trong tình trạng vắng vẻ, khách hàng chủ yếu qua xem hoặc thay thế đồ đã hỏng chứ hầu như không có mối cho công trình, dự án.
“Tình hình thị trường khá ảm đạm từ năm ngoái, chúng tôi đang có chính sách giảm giá rất sâu, thậm chí giá đang tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng chừng ấy vẫn không đủ để hút khách tại thời điểm này. Những người có nhu cầu thì vẫn cố đợi thêm ít nhất là qua tháng Ngâu rồi mới quyết” – ông Dũng nói.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vicostone Hồ Xuân Năng chia sẻ, năm 2024, những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới khi chịu tác động kéo dài từ những cú sốc kinh tế – chính trị chồng chéo, những rủi ro cạnh tranh, thay đổi về pháp lý… tiếp tục là những thử thách lớn đối với sức bền của Vicostone.
Vị lãnh đạo DN này cũng nhìn nhận, khó lòng kỳ vọng bài toán hiệu quả như giai đoạn trước năm 2019 bởi khi ấy phân khúc cao cấp ít cạnh tranh hơn. Hiện nay, nhiều đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá, Vicostone bán giá 100 USD, họ chỉ bán 60 USD. Trên thực tế, giá sản phẩm của Vicostone đã giảm khoảng 20% từ 2019 đến nay.
Tháo gỡ khó khăn
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, giải pháp tạm thời của DN hiện nay để tháo gỡ khó khăn trong những tháng tới là tập trung mạnh vào việc xoay trục, chuyển hướng sang các đối tượng bán lẻ, gia tăng độ phủ, phát triển thêm các nhà phân phối, các đại lý cấp 1,2; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài khi chất lượng sản phẩm của các thương hiệu Việt ngang bằng với tiêu chuẩn của thế giới.
Đồng thời, tập trung vào các dự án đầu tư công, đặc biệt với dự án đường cao tốc, sân bay; tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng, không thể thiếu.
Để giải quyết những khó khăn này, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt nội dung lớn, trong đó quy hoạch các vùng nguyên liệu, xét cấp mỏ gắn với nhà sản xuất chế biến sâu nâng cao chất lượng nguyên liệu.
Trong lĩnh vực gạch ốp lát, chỉ cho phép đầu tư để thay thế các dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, không cấp phép cho đầu tư mới. Chính phủ tạo dựng ngân quỹ quảng bá thương hiệu sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ DN ngành gốm sứ tham gia những hội chợ, triển lãm quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận quy trình cấp chứng chỉ đối với hàng nhập khẩu, cho phép kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam giống như quy trình cấp chứng chỉ của các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, đang thực hiện đối với sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam.
Trong đó có quy định cử đoàn đến kiểm tra tại nhà máy sản xuất để bảo đảm chất lượng hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào thị trường. Việc kiểm tra đầu nguồn này gắn với hồ sơ hải quan và đạt yêu cầu thì hàng mới được thông quan.
Trong vài năm qua, gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chiếm tới 50% tổng lượng nhập khẩu, vượt quá mức 3% theo quy định của WTO là được phép soát xét. Không những thế, gạch ốp lát Ấn Độ còn bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Hiệp hội và các DN đang tiến hành khởi kiện điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ. Đây cũng là biện pháp thiết thực để bảo vệ thị trường trong nước và ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương ủng hộ vụ kiện này.
DN cần phát triển đội ngũ khảo sát đánh giá thị trường, đề xuất và định hướng sản phẩm sản xuất kinh doanh để có kế hoạch phù hợp, có hiệu quả, khai thác tối đa năng lực hiện có. Đẩy mạnh các chương trình truyền thông, tập trung quảng bá hình ảnh thương hiệu, nghiên cứu phát triển mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu người dân.
Thạc sĩ vật liệu xây dựng Phạm Ngọc Trung
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nganh-gom-su-xay-dungmong-qua-con-bi-cuc.html