Việt Nam hiện cần hàng chục ngàn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, với mức thu nhập đưa ra hấp dẫn… Đây được xem là cơ hội cho những bạn trẻ đam mê và mong muốn theo học ngành này.
Thu nhập cao
Sinh viên Phạm Thị Huỳnh Kim (21 tuổi), lớp Điện tử – Truyền thông, K.21A Điện tử – Truyền thông, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TPHCM, cho biết, em đang cùng các bạn hoàn tất những bài học cuối để chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp sau 3 năm đèn sách. Trước đó, kết thúc 3 tháng thực tập tại Công ty Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) ở vị trí kiểm thử chip, Huỳnh Kim được đánh giá cao và có chút kinh nghiệm quý để sau khi ra trường có thể tự tin ứng tuyển vào doanh nghiệp này hoặc các doanh nghiệp tương tự.
Trong khi đó, Trần Thị Bích Trâm, cựu sinh viên khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ, bản thân đã có 10 năm làm việc tại Công ty Intel Products Việt Nam với mức lương hiện nhận trên 30 triệu đồng/tháng. “Quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi tiến độ công việc cho module là công việc thỏa mãn niềm đam mê của em đối với tìm hiểu về các hoạt động của dây chuyền sản xuất chip. Mức lương, các đãi ngộ cũng khá ổn”, Bích Trâm cho biết.
Theo khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch – bán dẫn TPHCM, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mỗi năm cần từ 1.000-1.500 kỹ sư, công nhân chất lượng cao. Trong đó, kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng; kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm có thu nhập dao động 15-30 triệu đồng/tháng. Trung bình sau 6 năm làm việc, những kỹ sư này nhận mức lương từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm; những kỹ sư có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên sẽ nhận mức lương trên 1,5 tỷ đồng/năm. Đối với người theo học ngành công nghệ bán dẫn ở các vị trí công việc như lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, kiểm thử chip, sửa chữa và bảo trì…, mức lương thử việc dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng; làm việc từ 3 tháng đến 1 năm có mức lương 10-15 triệu đồng/tháng, mức cao nhất từ 20-30 triệu đồng/tháng, tùy từng vị trí công việc cụ thể.
Bộ KH-ĐT ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch – bán dẫn, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp (đóng gói và kiểm thử…), đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Cơ hội hấp dẫn
Các trường đại học đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch – bán dẫn. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đã vào cuộc và có sự chuẩn bị từ trước. PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) cho biết, hiện các cơ sở GDNN đã bắt đầu triển khai đào tạo ngành Thiết kế vi mạch – bán dẫn ở một số trường được đầu tư phát triển công nghệ cao, có lợi thế về thiết bị, giảng viên, về chương trình đào tạo… Trong đó, sẽ tập trung vào 5 vấn đề: đào tạo cơ bản dài hạn, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo trực tiếp. “Thực tế, có nhiều trường cao đẳng, cơ sở GDNN đã và đang đào tạo, liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn ở lĩnh vực đóng gói và kiểm thử”, PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hương thông tin.
Là một trong số ít cơ sở GDNN đi đầu trong công tác đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (TPHCM) đã ký kết với Tổ chức giáo dục Pearson – Vương quốc Anh thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn (BTEC) về Việt Nam. Từ năm học này, sinh viên theo học công nghệ bán dẫn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic là thế hệ nhân sự bán dẫn đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy, bài bản. “Hoạt động tư vấn hướng nghiệp và đăng ký nhập học ngành công nghệ bán dẫn đang sôi động. Chúng tôi tin tưởng sẽ tuyển đủ 500 chỉ tiêu trong năm học 2024-2025”, ThS Trần Vân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, bày tỏ.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, cho biết, hiện nhà trường đang tuyển 150 chỉ tiêu các ngành đào tạo liên quan tới công nghệ bán dẫn, gồm công nghệ ô tô, điện công nghiệp, lập trình máy tính, quản trị mạng máy ở bậc cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THPT (học 2,5 năm) và hệ 9+ (dành cho học sinh tốt nghiệp THCS, học 3,5 năm). Sinh viên học xong được cấp bằng cao đẳng, và văn bằng này được các trường đại học đã ký kết hợp tác đào tạo với nhà trường công nhận, từ đó sinh viên học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học chính quy. Ngoài ra, sinh viên còn được miễn, giảm học phí, nhận học bổng trong quá trình học… “Tuy nhiên, đến nay, số hồ sơ trường tiếp nhận mới đạt khoảng 30% chỉ tiêu”, ThS Nguyễn Đăng Lý cho biết.
Tương tự, ThS Lại Nguyễn Duy, Trưởng bộ môn Điện tử – Viễn thông, khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TPHCM, thông tin, năm học 2024-2025, khoa tuyển sinh 180 chỉ tiêu chuyên ngành Công nghệ bán dẫn và vi mạch. Tính đến giữa tháng 7, nhà trường đã tuyển được 60% chỉ tiêu và sẽ kết thúc tuyển sinh vào cuối tháng này. Các trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TPHCM), Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TPHCM), Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM)… đến nay cũng mới tuyển sinh được khoảng 50% chỉ tiêu.
QUANG HUY
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nganh-cong-nghe-ban-dan-khat-nguoi-hoc-post751800.html