Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi khuyến nghị các giải pháp sử dụng thức ăn để nâng cao hiệu quả, năng suất trong ngành chăn nuôi lợn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam: “Hiện nay, tổng đàn trâu của cả nước đạt 2,2 triệu con, đàn bò đạt 6,5 triệu con, đặc biệt đàn gia cầm đạt 558 triệu con, quý 3/2024 xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu USD, tăng bình quân so với cùng kỳ 20%, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Riêng đối với ngành chăn nuôi lợn đạt 26,5 triệu con, Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, đứng thứ 6 về sản lượng thịt so với các nước trên thế giới”.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc kiểm soát và ngăn chặn các loại dịch bệnh trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là việc nỗ lực sản xuất vaccine phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đang dần chuyển mình sang phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp với các giải pháp xử lý môi trường hiệu quả, nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Giảm khí nhà kính là hướng đi tất yếu và quyết liệt cho ngành chăn nuôi Việt Nam…
Trong khi đó, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ: “Ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay không chỉ đối diện với những thách thức về phát triển kinh tế mà còn phải kiểm soát vấn đề phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường”.
Hiện nay, số lượng vật nuôi và chất thải trong chăn nuôi đang tăng lên đáng kể. Đến năm 2030, chúng ta dự kiến sẽ đạt 29,5 triệu con lợn và 600 triệu con gia cầm, cùng với đó là 92,1 triệu tấn chất thải rắn và 20,5 triệu tấn khí CO2. Đây là một thách thức lớn trong việc quản lý phát thải khí nhà kính.
Trong đó, ngành chăn nuôi lợn luôn giữ vai trò trọng yếu, không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn góp phần tạo giá trị xuất khẩu. Để phát triển bền vững, ngành này phải đảm bảo cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm với môi trường.
TS. Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh: “Ngành chăn nuôi lợn trên cả nước cần thống nhất nhận thức và xây dựng một quy chuẩn chung về giảm phát thải khí nhà kính, để cùng nhau góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững. Chỉ khi có sự đồng lòng và cam kết mạnh mẽ, ngành chăn nuôi mới có thể tiến xa hơn, không chỉ về hiệu quả sản xuất mà còn về trách nhiệm với môi trường và cộng đồng”.
Ngành chăn nuôi đã triển khai một số công nghệ như biogas, đệm lót sinh học và cải tiến khẩu phần thức ăn để hạn chế phát thải, nhưng phần lớn vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, các quy định pháp luật như Luật Chăn nuôi, Luật Môi trường, cùng với Nghị định 06/2022/NĐ-CP về kiểm kê khí nhà kính đã đưa ra các yêu cầu cụ thể, song đây vẫn là một vấn đề mới, phức tạp và đòi hỏi thời gian thích nghi.
“Tôi kiến nghị từ nay đến năm 2030, Nhà nước nên khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện kiểm kê và kiểm soát khí phát thải, thay vì áp dụng bắt buộc ngay lập tức. Song song với đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ thuật, và nâng cao năng lực để sẵn sàng khi quy định bắt buộc được áp dụng”, TS. Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề phát thải, ngành chăn nuôi lợn của chúng ta trong giai đoạn tới sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố khác. Nhu cầu thịt lợn trong nước có xu hướng giảm dần, cùng với sự gia tăng cạnh tranh từ thịt lợn nhập khẩu và các mặt hàng thực phẩm khác. .
Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang là mối nguy hại, đòi hỏi chúng ta phải triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Vấn đề kiểm soát môi trường và khí nhà kính cũng sẽ tạo ra áp lực cho ngành chăn nuôi lợn, đặc biệt nếu quy định kiểm kê trở thành bắt buộc.
“Với những thách thức hiện nay, tôi đề nghị các cơ sở chăn nuôi cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình chăn nuôi liên kết với các tập đoàn lớn, chăn nuôi gia công hoặc trang trại quy mô lớn để ổn định và phát triển bền vững. Cần lưu ý, những cơ sở hiện có sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển quy mô đàn lợn của chúng ta trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Xuân Dương nói thêm.
TS. Ninh Thị Len, Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN cung cấp thông tin về tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cho lợn tại Việt Nam và các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Việt Nam có 267 cơ sở sản xuất TACN, tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó phần lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu chiếm tới 70-90%, dẫn đến giá TACN không ổn định, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong nước. Giá thức ăn cho lợn giai đoạn xuất chuồng hiện duy trì trung bình 12.000 đồng/kg.
Theo TS. Ninh Thị Len, việc giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi lợn chủ yếu nhằm hạn chế khí CO₂, CH₄ và N₂O. Trong đó, nguồn phát thải lớn đến từ quá trình tiêu hóa và thải ra từ vật nuôi, đặc biệt là khí N₂O do chuyển hóa từ nitrogen (N) trong phân và nước tiểu lên tới 265 triệu tấn CO₂. Vì vậy, một số biện pháp giảm khí nhà kính thông qua dinh dưỡng thức ăn được khuyến nghị bao gồm cải tiến chế biến TACN để tăng tỷ lệ tiêu hóa và cân đối protein trong khẩu phần ăn, từ đó giảm thiểu bài tiết nitrogen ra môi trường.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thức ăn như enzyme, men vi sinh, và axit hữu cơ cũng là giải pháp giúp tăng hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng và giảm phát thải khí nhà kính.
TS. Ninh Thị Len cho biết, một số quốc gia như Hàn Quốc và các nước châu Âu đã áp dụng các tiêu chuẩn về TACN để giảm lượng protein trong thức ăn và thay thế nguyên liệu ít phát thải carbon, nhằm bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, TS. Len kiến nghị Việt Nam nên nghiên cứu và áp dụng những quy định quản lý TACN liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất TACN tự xây dựng chiến lược giảm phát thải để thích ứng với xu hướng toàn cầu.
Đẩy mạnh áp dụng đạm thô thấp, cân bằng axit amin trong thức ăn chăn nuôi lợn…
TS. Kim Jae Cheol, Giám đốc Trung tâm giải pháp kỹ thuật khu vực châu Á Thái Bình Dương, chia sẻ: “Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thức ăn thấp đạm thô. Đây không phải là dấu hiệu của sự kém chất lượng, mà ngược lại, thức ăn này được thiết kế để tối ưu hóa sức khỏe và hiệu suất của vật nuôi. Với công thức cân đối dinh dưỡng, thức ăn thấp đạm thô giúp con lợn hấp thụ tốt hơn, giảm thiểu thải khí nhà kính và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn cho người chăn nuôi”.
Phát biểu nhấn mạnh rằng lợn tăng trưởng nhờ các axit amin chứ không phải là đạm thô, nếu thức ăn cung cấp đầy đủ axit amin theo nhu cầu của lợn thì chúng sẽ tăng trưởng tốt.
Biểu đồ bên trái minh họa mô hình sử dụng khẩu phần đạm cao truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu axit amin cần thiết (đường màu đỏ), người chăn nuôi thường bổ sung đạm ở mức cao. Tuy nhiên, con lợn không thể tích lũy axit amin vượt mức cần thiết, dẫn đến lượng axit amin dư thừa (các phần vượt qua đường màu đỏ) phải được thải ra ngoài, giải phóng khí nitơ và gây ra hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, biểu đồ bên phải thể hiện giải pháp cân bằng axit amin bằng cách giảm tỷ lệ đạm thô trong khẩu phần. Phương pháp này vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tăng trưởng của con lợn mà không tạo ra lượng axit amin dư thừa lớn. Nhờ đó, con lợn ít thải ra khí nitơ, giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, áp dụng khẩu phần thức ăn đạm thô thấp mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong chăn nuôi. Thay vì sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng, khẩu phần đạm thấp giúp giảm nhu cầu năng lượng cho quá trình bài thải axit amin dư thừa, giảm phát thải nitơ – một tác nhân chính gây phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, thức ăn đạm thô thấp cũng giúp giảm căng thẳng nhiệt ở vật nuôi, cải thiện sức khỏe và tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Với những lợi ích này, thức ăn đạm thô thấp là giải pháp bền vững góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi thân thiện với môi trường.
Cách tiếp cận giảm đạm thô này không chỉ giúp con vật tăng trưởng bền vững hơn mà còn đóng góp vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và tiến tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo như nghiên cứu của TS. Kim Jae Cheol, việc giảm 1% đạm thô trong thức ăn lợn ở Việt Nam sẽ giúp giảm 20,000 tấn CO₂ tương đương với phát thải CO₂ của 4,400 chiếc xe hơi
Nguồn: https://danviet.vn/nganh-chan-nuoi-thai-ra-921-trieu-tan-chat-thai-ran-205-trieu-tan-khi-co2-quan-ly-the-nao-de-giam-phat-thai-20241031142432651.htm