Trong tuyên bố chính sách, Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức – 0,1% và giới hạn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0.
Hành động này của BOJ khá phù hợp với dự đoán trước đó. Ngân hàng Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Sáu tuần sau, thời điểm Thống đốc Kazuo Ueda có thể đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn.
“Với những bất ổn cực kỳ cao xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, BOJ sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó nhanh chóng với những diễn biến trong hoạt động kinh tế và giá cả cũng như các điều kiện tài chính” – thông cáo của Ngân hàng Nhật Bản nêu rõ.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã đưa BOJ trở thành một ngoại lệ. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phải tăng lãi suất trong hai năm qua để kiểm soát lạm phát.
Tỷ giá Yên giảm khoảng 0,4% xuống còn khoảng 148,16 JPY/USD sau quyết định của BOJ. Lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hầu như không thay đổi. Đồng Yên hiện đã suy yếu hơn 11% so với đồng bạc xanh tính đến thời điểm hiện tại.
Tại cuộc họp chính sách trước đó vào tháng 7, BOJ dưới thời ông Ueda đã nới lỏng việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), cho phép lãi suất biến động dài hạn. Đây là công cụ chính sách giúp BOJ nhắm mục tiêu về lãi suất, sau đó mua và bán trái phiếu khi cần thiết. Việc nới lỏng kiểm soát YCC cũng là bước khởi đầu trong quá trình dần rời bỏ chính sách cũ dưới thời cựu Thống đốc Kuroda.
Giới chuyên gia dự báo BOJ sẽ nhanh chóng thoát khỏi chính sách tiền tệ lỏng lẻo vào khoảng nửa đầu năm 2024. Chính ông Ueda tiết lộ, BOJ có thể có đủ dữ liệu vào cuối năm nay để xác định thời điểm chấm dứt lãi suất âm.
Dù lạm phát lõi vượt quá mục tiêu 2% mà Ngân hàng Nhật Bản đã nêu trong 17 tháng liên tiếp, các quan chức BOJ vẫn thận trọng về việc thoát khỏi gói kích thích.
Lạm phát cơ bản trong tháng 8 của Nhật Bản ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu dùng không bao gồm năng lượng và thực phẩm tươi sống tăng 4,3%.
Oliver Lee, chuyên gia kinh tế tại Eastspring Investments, cho biết: “Nhật Bản có cơ hội tốt để chuyển từ môi trường giảm phát sang môi trường lạm phát lâu dài”.
“Điều quan trọng là tiền lương. Nhật Bản cần chứng kiến lạm phát tiền lương có ý nghĩa và bền vững để tác động đến tâm lý tiêu dùng. Hy vọng đây có thể là sự khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng kinh tế tích cực, nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu điều đó có thành công hay không. Có lẽ chúng tôi cần thêm 6 đến 12 tháng nữa để xem xét tình hình” – ông Lee nói thêm.
Việc tăng lãi suất sớm có thể làm chệch hướng tăng trưởng, trong khi việc trì hoãn quá mức sẽ làm đồng Yên phải chịu thêm áp lực, gia tăng căng thẳng tài chính.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 đã được điều chỉnh giảm xuống mức 4,8% hàng năm so với mức 6% ban đầu do chi tiêu vốn yếu.