Ukraine và Nga dường như đều chờ các đề xuất của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1.2025, trong đó Kyiv quyết tâm kết thúc cuộc chiến trong năm tới thông qua các biện pháp ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 16.11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nước này phải làm mọi điều có thể để chấm dứt xung đột với Nga vào năm tới thông qua ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay tình hình chiến sự ở phía đông là khó khăn và Nga đang tiến lên. Ông nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không quan tâm việc đồng ý thỏa thuận hòa bình.
Điểm xung đột: Lãnh đạo Nga-Đức bất ngờ điện đàm; Iran hứa không làm hại ông Trump
Theo Tổng thống Ukraine, quy định tại Mỹ ngăn ông gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông ấy nhậm chức vào tháng 1.2025. Ông Zelensky nói rằng mình sẽ chỉ trao đổi với ông Trump chứ không phải bất cứ phái viên hay cố vấn nào của ông ấy.
“Tôi, với tư cách là Tổng thống Ukraine, sẽ chỉ coi trọng cuộc trò chuyện với Tổng thống Mỹ, với tất cả sự tôn trọng đối với bất kỳ đoàn tùy tùng, bất kỳ người dân nào. Về phía mình, chúng tôi phải làm mọi thứ để cuộc chiến này kết thúc vào năm tới thông qua các biện pháp ngoại giao”, Reuters dẫn lời ông Zelensky nói.
Cùng ngày, hãng TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông không biết Tổng thống đắc cử Mỹ định giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine như thế nào, nhưng Moscow mong thấy những gì ông sẽ đưa ra.
“Tôi không thể tưởng tượng (ông Trump sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này như thế nào). Chúng ta hãy chờ những đề xuất của ông ấy. Chúng tôi liên tục nhấn mạnh khi được hỏi về vấn đề này rằng bất kỳ chính trị gia nào nói rằng họ ủng hộ hòa bình thay vì chiến tranh, thì chính trị gia đó đáng được chú ý”, ông Lavrov phát biểu.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho hay ông Lavrov đã vạch ra cách tiếp cận và những nguyên tắc liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khi ông đang thăm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ông Lavrov đến Abu Dhabi (UAE) để dự Diễn đàn Hòa bình và An ninh quốc tế Sir Bani Yas diễn ra từ ngày 15.11. Nhà ngoại giao đã có hàng loạt cuộc gặp song phương.
Khi được một phóng viên hỏi liệu những bên tham gia diễn đàn khác có đưa ra cách tiếp cận thực tế khi thảo luận về tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine hay không, ông Lavrov cho biết các ý kiến chắc chắn đã trở nên thực tế hơn.
Ukraine nói đẩy lùi nỗ lực đột phá mới của Nga ở Kupiansk
Nga kiểm soát thêm 2 làng
Liên quan tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16.11 cho hay lực lượng nước này vừa giành quyền kiểm soát thêm 2 ngôi làng Makarivka và Hryhorivka tại vùng Donetsk miền đông Ukraine.
Làng Makarivka nằm ở phía nam khu vực Velyka Novosilka, còn làng Hryhorivka nằm ở phía tây thị trấn Selydove, nơi Nga giành quyền kiểm soát vào tháng trước.
Trước đó hôm 15.11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát thêm 5 làng ở Donetsk và Kharkiv trong tuần lễ từ 9-15.11.
Cụ thể, các đơn vị Nga đã giành quyền kiểm soát các làng Kolesnikovka thuộc tỉnh Kharkiv, và các làng Voznesenka, Volchenka, Stepanovka và Rovnopol thuộc Donetsk, theo TASS.
Ngoại trưởng Nhật thăm Ukraine
Hãng Kyodo đưa tin Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya ngày 16.11 có chuyến thăm không công khai trước đến Ukraine để gặp gỡ giới lãnh đạo nước này, dường như nhằm thể hiện cam kết của Tokyo đối với Kyiv.
Ông Iwaya thăm Ukraine sau khi đến Peru để tham dự một cuộc họp kinh tế khu vực, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của một bộ trưởng Nhật đến Ukraine kể từ khi Thủ tướng Nhật Ishiba Shigeru nhậm chức vào tháng trước.
Ukraine có thể chế tạo bom hạt nhân nếu Mỹ giảm viện trợ?
Sau khi đi xe lửa từ Ba Lan, ông Iwaya gặp người đồng cấp Ukraine Andrii Sybiha và hội đàm với Tổng thống Zelensky vào ngày 16.11 (giờ địa phương).
Trước đó hồi tháng 1, Ngoại trưởng Nhật khi đó là bà Yoko Kamikawa đã thăm Ukraine. Người tiền nhiệm của Thủ tướng Ishiba là ông Kishida Fumio đã có chuyến đi không công bố trước tới Ukraine vào tháng 3.2023.
Hơn 100 tỉ USD cho Ukraine
Trang tin The Kyiv Independent ngày 16.11 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Ukraine cho hay ngân sách nước này đã nhận hơn 100 tỉ USD hỗ trợ kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine vào tháng 2.2022.
Ngoài viện trợ quân sự hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Ukraine dọc biên giới phía đông, các nước và tổ chức phương Tây đã giúp tài trợ ngân sách nhà nước của Ukraine trong bối cảnh áp lực ngân sách gia tăng đối với quốc gia đang gặp khó khăn này.
Nguồn tài chính bên ngoài của Ukraine chủ yếu đến từ nhiều chương trình hợp tác khác nhau, bao gồm các chương trình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (World Bank), cũng như nguồn tài chính trực tiếp từ từng quốc gia.
EU đứng đầu về hỗ trợ ngân sách với tổng số tiền là 40,5 tỉ USD, tiếp theo là Mỹ với 28,2 tỉ USD, IMF với 11,4 tỉ USD, Nhật với 6,3 tỉ USD và Canada với 5,4 tỉ USD. Tổng các khoản này chiếm hơn 90% nguồn tài chính bên ngoài hỗ trợ Ukraine.
“Trong khi chiến dịch quân sự được tài trợ bằng nguồn lực trong nước, Ukraine trông cậy vào sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế cho các nhu cầu xã hội và nhân đạo. Không quốc gia nào có thể đơn độc đối mặt với những thách thức ở quy mô này”, Bộ Tài chính Ukraine cho biết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-su-ukraine-ngay-997-nga-ukraine-deu-theo-doi-dong-thai-cua-ong-trump-185241116220528427.htm