Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ngày 14/3 tuyên bố nước này đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, và tạo ra năng lượng hạt nhân cho một số nước từ con số không. Nhiều nước vẫn phải phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này.
Nhà máy điện hạt nhân Rostov tại Nga. (Nguồn: TASS) |
Phát biểu trực tuyến tại lễ đổ bê tông chân móng tổ máy điện số 7 của Nhà máy điện hạt nhân Leningrad, Tổng thống Putin nói: “Nga là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Với sự hỗ trợ của chúng ta, năng lượng hạt nhân được tạo ra ở nhiều nước từ con số không”.
Tổng thống Putin nói thêm rằng các chuyên gia đang được đào tạo ở một số quốc gia và tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết đang được phát triển, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Ví dụ, tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom đang xây dựng 22 tổ máy điện hạt nhân ở 7 quốc gia.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin lưu ý rằng năng lượng hạt nhân cũng đang tích cực được phát triển trong nước. Theo trang web của Điện Kremlin, dự kiến đến năm 2045, tỷ trọng điện hạt nhân trong cán cân năng lượng của Nga sẽ tăng lên 25%.
Các nước Trung và Đông Âu đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Có tổng cộng 18 lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế – ở Slovakia, Bulgaria, Hungary, CH Czech và Phần Lan – hiện đang hoạt động bằng nhiên liệu của Nga và dựa vào công nghệ của Nga.
Nhiên liệu hạt nhân có nguồn gốc từ tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và các đơn vị của công ty giúp tạo ra gần một nửa tổng lượng điện được sản xuất ở Slovakia và Hungary và hơn một phần ba ở CH Séc và Bulgaria.
Sự phụ thuộc của EU bắt nguồn từ ảnh hưởng quá lớn của ngành công nghiệp hạt nhân Nga trên toàn cầu. Nga chiếm hơn 45% công suất làm giàu uranium của thế giới, cung cấp nhiên liệu nguyên tử cho các nhà máy điện hạt nhân ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, quốc gia bất chấp lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Moscow vẫn tiếp tục trả 1 tỷ USD (hơn 900 triệu euro) mỗi năm để mua nhiên liệu từ Rosatom.
Dữ liệu của Cơ quan cung cấp Euratom cho thấy gần 20% lượng uranium thô mà EU nhập khẩu đến từ Nga, với 23% khác đến từ Kazakhstan, nơi Rosatom cũng có ảnh hưởng lớn. Nga cũng cung cấp một tỷ lệ lớn thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu.