Theo Wall Street Journal, ngày 9/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiết lộ, nước này rất có thể tiến hành các bước bổ sung để thực thi biện pháp áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
Cuối năm 2022, phương Tây áp mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mốc 60 USD/thùng. (Nguồn: Reuters) |
Bà Yellen nói: “Chúng tôi muốn những người tham gia thị trường biết rằng, Mỹ rất coi trọng mức trần giá này”.
Trước đó, ngày 29/9, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Yellen thừa nhận, việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia tung đòn áp trần với giá dầu Nga không thực sự hiệu quả như phương Tây mong muốn.
Quan chức này nói: “Hiệu quả của việc áp giá trần đã giảm đi, khi dầu thô Nga đang dao động ở mức khoảng 80 đến 90 USD/thùng, cao hơn nhiều so với con số 60 USD. Moscow dành rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu dầu. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động. G7 sẽ cân nhắc theo thời gian xem những cách nào có thể khiến cơ chế giá trần hiệu quả hơn”.
Trong tháng 9, xuất khẩu dầu thô Urals của Nga đạt mức giá trung bình 85 USD/thùng, cao hơn khoảng 25 USD so với mức giá trần của G7 và EU.
Ở thời điểm hiện tại, một khối lượng lớn dầu thô của nước này vẫn đang được vận chuyển trên các tàu phương Tây.
Số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 1/10, 37% khối lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã được vận chuyển trên các tàu thuộc sở hữu hoặc được bảo hiểm bởi các quốc gia trong G7 hoặc EU. Lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt tổng cộng 4,68 tỷ USD trong khoảng thời gian đó.
Tại báo cáo tiến độ thực thi biện pháp áp trần giá đầu hồi tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá: “Bất chấp sự hoài nghi ban đầu của thị trường, những người tham gia thị trường và các nhà phân tích địa chính trị thừa nhận rằng, mức trần giá đang hoàn thành hai mục tiêu: Giảm doanh thu của Nga và dầu thô của nước này vẫn vươn ra thế giới. Giá trần đã khiến doanh thu thuế dầu khí của nước này giảm 44%”.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, Moscow đã thành công trong việc thiết lập mạng lưới công ty vận chuyển và bảo hiểm thay thế cho doanh nghiệp phương Tây.
Song song với đó, một số chuyên gia cho rằng, “hạm đội bóng tối” lớn gồm các tàu chở dầu đã giúp Nga vận chuyển dầu vượt mức giá trần ra thị trường thế giới.
Công ty phân tích Kpler thông tin, trong tháng 8/2023, khoảng 75% hoạt động vận chuyển nguyên nhiên liệu bằng đường biển mà không có bảo hiểm tàu biển của các công ty phương Tây. Đây là công cụ chính để Moscow thực hiện lệnh cấm vận.
Các chuyên gia vận tải biển ước tính, Nga sở hữu khoảng 600 tàu chở dầu ngoài hợp đồng để củng cố “hạm đội bóng tối” trong năm 2022, với chi phí ước tính ít nhất là 2,25 tỷ USD.
Nhật báo Wall Street Journal nhận định, đó là “một kỳ công đắt giá”. Chi phí của các tàu chở dầu của “hạm đội bóng tối”, phí bảo hiểm bổ sung mà Nga phải bảo lãnh có thể khiến chi phí xuất khẩu dầu tăng thêm 36 USD/thùng.
Một lỗ hổng khác trong lệnh trừng phạt của phương Tây chính là cho phép các nước mua dầu qua bên thứ ba. Đơn cử như Ấn Độ. Quốc gia này không tham gia cơ chế trần giá và tăng cường mua dầu giảm giá từ Nga. Không chỉ trở thành khách hàng lớn mua dầu Moscow, New Delhi đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu.
Các nhà máy lọc dầu của quốc gia Nam Á tận dụng việc mua dầu với giá rẻ, tinh chế thành nhiên liệu và bán cho EU với giá cạnh tranh.
Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler khẳng định: “Dầu mỏ của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt”.
Tháng 12/2022, các nước EU, G7 và Australia đã áp mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mốc 60 USD/thùng. Mỹ và đồng minh cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và dịch vụ khác cho các chuyến hàng dầu thô của Nga, trừ khi hàng hóa được mua ngang bằng hoặc dưới mức giá trần nói trên. Cơ chế này nhằm buộc Nga tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn dầu để ngăn giá toàn cầu tăng đột biến, nhưng làm giảm doanh thu mà Moscow thu được từ việc bán dầu thô. |