Nghị quyết về lệnh cấm vũ khí trong không gian tại HĐBA LHQ đã không được thông qua. Ngoại trưởng Italy không ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khi phương Tây tấn công các mục tiêu ở Nga. Nhiều kỹ thuật viên Nga đã đến Triều Tiên đểhoox trợ phóng vệ tinh do thám.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. (Nguồn: AP) |
Theo AP, phía Mỹ cho rằng tuần trước Nga đã phóng một vệ tinh – có thể là một phần của việc vũ khí hóa không gian, xu hướng toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai mà các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án ngay cả khi họ không thông qua biện pháp chống lại nó.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Nga soạn thảo cạnh tranh với nghị quyết được Mỹ và Nhật Bản hậu thuẫn nhưng đã thất bại vào tháng trước.
Mỹ và các đồng minh cho biết, nghị quyết mà hội đồng gồm 15 thành viên tranh luận ngày 20/5 chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng thế giới khỏi ý định thực sự vũ khí hóa không gian của Nga.
Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky cho biết, Moscow rất ngạc nhiên trước lập trường của Mỹ và Nhật Bản, từ chối sáng kiến cấm triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Polyansky bày tỏ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước lập trường của Mỹ và Nhật Bản, từ chối mọi sáng kiến về việc không triển khai bất kỳ loại vũ khí nào nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua ngoài vũ trụ”.
Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow chỉ trích việc thảo luận vấn đề này chỉ theo hình thức của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, cho rằng nên có nhiều quốc gia hơn tham gia thảo luận.
Ông Polyansky nói thêm: “Đây là logic của mọi nỗ lực giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đột nhiên các đồng nghiệp của chúng tôi quyết định thay đổi các quy tắc nhằm giành được lợi thế chính trị bằng cách vạch trần Nga về kế hoạch phóng thứ gì đó vào quỹ đạo. Nhưng tôi nghĩ họ thất bại thảm hại…”.
Liên quan vấn đề này, ông Polyansky nhắc lại dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ được Nga đề xuất trước đó về việc các nước xác nhận nghĩa vụ không sử dụng không gian để triển khai vũ khí. Tài liệu cùng với những nội dung khác, kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn việc triển khai vũ khí vĩnh viễn trong không gian. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi các bước ngăn chặn sử dụng vũ lực trong không gian, từ không gian tới Trái đất và từ Trái đất chống lại các vật thể ngoài vũ trụ.
Trong cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, Nga, Trung Quốc, Algeria, Guyana, Ecuador, Mozambique và Sierra Leone bỏ phiếu tán thành nghị quyết này. Thụy Sỹ bỏ phiếu trắng. Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Slovenia, Hàn Quốc và Malta phản đối. Nghị quyết không được thông qua vì không nhận được 9/15 phiếu bầu cần thiết.
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hàn Quốc ngày 26/5 tiết lộ nhiều chuyên gia Nga đã đến Bình Nhưỡng để hỗ trợ nước này phóng vệ tinh do thám và họ đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm động cơ hơn dự kiến để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn “cao” được đặt ra.
Trao đổi với hãng tin Yonhap, quan chức Hàn Quốc chia sẻ: “Triều Tiên đã tiến hành rất cẩn thận những cuộc thử nghiệm động cơ (tên lửa) nhiều hơn dự kiến… Nhìn vào các hoạt động của Triều Tiên hồi năm ngoái, lẽ ra nước này đã thực hiện một vụ phóng tên lửa”.
Quan chức trên cho biết nhiều kỹ thuật viên Nga đã đến Triều Tiên sau khi Tổng thống Vladimir Putin cam kết hỗ trợ chương trình vệ tinh của Bình Nhưỡng hồi năm ngoái và Triều Tiên có thể có các tiêu chuẩn “cao”, dẫn đến sự chậm trễ. Quan chức quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh: “Triều Tiên có thể đã sẵn sàng phóng tên lửa khi chưa hiểu tường tận, nhưng các chuyên gia (Nga) có thể đã khuyên họ không làm như vậy”.
Trong một diễn biến khác, ngày 24/5, quân đội Hàn Quốc cho biết đã phát hiện những dấu hiệu rõ ràng về việc Triều Tiên chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa mới, sau tuyên bố trước đó cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy một vụ phóng như vậy sắp xảy ra.
Ngày 26/5, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho rằng Ukraine không nên sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu ở Nga.
Hãng thông tấn Adnkronos dẫn lời ông Tajani nói: “Chúng tôi sẽ không cử một binh sĩ Italy nào đến Ukraine và các thiết bị quân sự mà Italy hỗ trợ sẽ chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine”. Ông nói thêm rằng Italy là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mọi quyết định phải được đưa ra tập thể.
Ngày 25/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist rằng các nước NATO nên dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Nga.
Bình luận về tuyên bố của ông Stoltenberg, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Giao thông Italy Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Liên đoàn trong liên minh cánh hữu cầm quyền, nói rằng không thể có việc dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ Nga. Ông lưu ý rằng ông luôn phản đối việc cử quân đội Italy tham gia vào giao tranh ở Ukraine.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nga-phan-ung-my-nhat-ve-lenh-cam-vu-khi-trong-khong-gian-ho-tro-trieu-tien-phong-ve-tinh-do-tham-italy-phan-doi-kiev-tan-cong-moscow-272696.html