Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã có phản ứng khác nhau sau khi Armenia chính thức phê chuẩn việc chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Các nghị sĩ Armenia bỏ phiếu phê chuẩn việc nước này chịu quyền tài phán của ICC. (Nguồn: Euronews) |
Ngày 3/10, Điện Kremlin đánh giá Armenia đã hành động theo cách “không giống đối tác” của Nga khi đặt mình dưới quyền tài phán của ICC.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, nhấn mạnh, Moscow từng coi Yerevan là đồng minh, song giờ nước này “sẽ có câu hỏi cho ban lãnh đạo đương nhiệm của Armenia”.
Quan hệ Nga-Armenia trở nên căng thẳng khi Moscow không hành động lúc Azerbaijan giành lại Nagorno-Karabakh, khu vực do người Armenia thiểu số kiểm soát suốt ba thập niên, trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng cuối tháng 9 vừa qua. Hiện hầu hết những người Armenia thiểu số tại khu vực đã phải rời đi nơi khác.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ca ngợi động thái của Armenia.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Armenia đã phê chuẩn quy chế thành lập ICC, qua đó đặt mình dưới quyền tài phán của tòa án có trụ sở tại The Hague (Hà Lan).
Điều này đồng nghĩa rằng Armenia có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đặt chân tới đây. ICC đã phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga, tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ và coi lệnh bắt giữ là vô nghĩa.
Trong một tin liên quan, nhân chuyến thăm Yerevan cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết: “Pháp đã đồng ý ký kết hợp đồng tương lai với Armenia, cho phép chuyển thiết bị quân sự tới Armenia để nước này có thể bảo đảm khả năng phòng thủ”
Nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng, cả hai nước đều không tìm cách leo thang trong khu vực.
Pháp có cộng đồng lớn người Armenia sinh sống, đồng thời, Paris có truyền thống giúp hòa giải tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập niên giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh.