Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ Latinh từ chối áp đặt trừng phạt chống Nga, hơn 500 người chết ở Lebanon, HĐBA LHQ được yêu cầu họp khẩn, Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung ở Tây Thái Bình Dương… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Dòng xe kẹt cứng khi người dân tháo chạy khỏi thành phố Sidon, Lebanon vào ngày 23/9 do lo sợ xung đột lan rộng. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Triều Tiên cáo buộc Mỹ gia tăng các mối đe dọa bằng tàu ngầm hạt nhân: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/9 đưa tin bà Kim Yo Jong – em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – lên tiếng chỉ trích sự hiện diện của một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại cảng Busan của Hàn Quốc.
Theo KCNA, bà Kim Yo Jong gọi động thái này là bằng chứng về tham vọng của Mỹ nhằm “trình làng các tài sản hạt nhân chiến lược, phô trương sức mạnh và gia tăng các mối đe dọa”.
Tàu ngầm USS Vermont đã đến căn cứ hải quân ở Busan hôm 23/9 để tiếp tế và cho phép thủy thủ đoàn nghỉ ngơi.
Những phát biểu trên của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiến hành hội đàm hôm 23/9 bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Reuters)
*Indonesia bắt giữ một tàu cá của Malaysia: Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia ngày 24/9 thông báo đã bắt giữ một tàu cá bất hợp pháp của Malaysia trong vùng biển Bắc Kalimantan.
Tổng Giám đốc Cơ quan giám sát tài nguyên biển và nghề cá Pung Nugroho Saksono cho biết tàu cá bất hợp pháp sử dụng cả cờ Indonesia và Malaysia khi di chuyển vào lãnh thổ các nước nhằm trốn tránh cơ quan chức năng. Theo ông Pung Nugroho Saksono, dấu hiệu vi phạm đầu tiên là không có giấy phép.
Ông Pung Nugroho nhấn mạnh lực lượng chức năng đang tăng cường các biện pháp bảo vệ vùng biển Indonesia, đặc biệt là trong việc xử lý nguồn lợi hải sản và thủy sản. (Strait Times)
*G7 tái khẳng định cam kết đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 23/9, Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tái khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền, bao trùm, thịnh vượng và an toàn, tuân thủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các quyền tự do cơ bản và quyền con người.
Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng G7 còn tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác và tổ chức khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Auswaertiges-amt)
*Số lượng tàu Trung Quốc tại Biển Đông tăng cao kỷ lục: Số lượng tàu Trung Quốc tràn vào Biển Tây Philippines (tên được Philippines đặt cho một phần Biển Đông) đã tăng lên mức cao kỷ lục lần thứ ba trong năm nay. Sự gia tăng này một phần là do số lượng tàu Trung Quốc tăng gấp 4 lần gần bãi cạn Ayungin (bãi cạn Second Thomas).
Tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 24/9, Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad cho biết đây là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Trinidad cho rằng sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Biển Tây Philippines “là bất hợp pháp” và báo động về việc này đã được đưa ra từ 25 năm trước khi Trung Quốc bắt đầu các hoạt động cải tạo đất hoặc bắt đầu hiện diện bất hợp pháp ở Biển Tây Philippines”. (Philstar)
*Nga, Trung Quốc tập trận hải quân chung ở Tây Thái Bình Dương: Ngày 24/9, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn nguồn bộ phận báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết một đội tàu chiến của lực lượng này và Hải quân Trung Quốc đã tiến vào Biển Okhotsk ở Tây Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận hải quân chung.
Trong quá trình di chuyển trên biển, đội tàu đã thực hiện các nhiệm vụ điều động chung, chống lại tàu không người lái của kẻ thù giả định, tiến hành trinh sát và giám sát tình hình trên mặt nước với sự tham gia của trực thăng trên tàu. (Reuters)
Châu Âu
*Nga mở cảng chiến lược mới ở Đại Tây Dương: Trang mạng quân sự của Nga đưa tin Moscow chuẩn bị mở một cảng chiến lược mới ở Đại Tây Dương nhờ thỏa thuận hợp tác quân sự với quốc đảo Sao Tome và Principe ở châu Phi.
Ủy ban chính phủ LB Nga đã thông qua một dự luật tương ứng, dự kiến được đưa ra bỏ phiếu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là một bước quan trọng đối với Hải quân Nga, giúp lực lượng này tiếp cận một cảng mới trong khu vực.
Sao Tome và Principe, quần đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi, có thể trở thành điểm then chốt cho hoạt động của Hải quân Nga ở Đại Tây Dương.
Việc mở cửa khu cảng nói trên có thể không chỉ phục vụ mục đích quân sự mà còn cải thiện khả năng hậu cần của hạm đội Nga trong khu vực, đặc biệt là trong tình hình địa chính trị hiện tại và trước những hạn chế ngày càng tăng đối với tàu Nga khi tiếp cận cảng của các nước khác. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Ukraine: Tổng thống Zelensky khẳng định đang tiến tới hồi kết, Czech khuyên nên đối mặt sự thật |
*Nga tố Ukraine điều lính đánh thuê nước ngoài tới Kursk: Thiếu tướng Apty Alaudinov, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quân sự-Chính trị của Lực lượng vũ trang Nga kiêm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat, cáo buộc Ukraine đã triển khai binh sĩ nước ngoài đến một số khu vực thuộc tỉnh Kursk của Nga, đặc biệt là khu vực Sudzha.
Theo ông Alaudinov, các đơn vị này đã tham gia vào các cuộc đột kích và hoạt động phối hợp cùng quân đội Ukraine ở tỉnh Kursk. Ông khẳng định NATO đã lên kế hoạch và hỗ trợ hoạt động này, cho thấy sự mở rộng quy mô của cuộc xung đột.
Trước đó, ông Alaudinov cũng cho biết đã ghi nhận sự xuất hiện của hàng chục huấn luyện viên nước ngoài của Ukraine tại khu vực Sudzha. (TASS)
*Anh họp khẩn về tình hình Trung Đông: Hãng tin Sky News ngày 24/9 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey chủ trì cuộc họp của ủy ban ứng phó khẩn cấp thuộc chính phủ, được gọi là COBR, để thảo luận về tình hình ở Trung Đông.
Cùng ngày, Điều phối viên về truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby thông báo công dân Mỹ ở Lebanon nên rời khỏi nước này khi vẫn còn các chuyến bay, trong bối cảnh bạo lực bùng phát giữa Israel và phong trào Hezbollah dọc biên giới Israel-Lebanon.
Phát biểu trong chương trình Good Morning America của Đài ABC, ông Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng vẫn còn các chuyến bay thương mại cho công dân Mỹ rời khỏi Lebanon và họ nên đi ngay bây giờ khi những lựa chọn đó còn khả thi”. Ông đồng thời cho biết các quan chức Mỹ liên tục liên lạc với các đối tác Israel. (Reuters)
*Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/9 tuyên bố bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc trong hòa bình theo cách này hay cách khác, nhưng việc đạt được các mục tiêu của Nga là điều không thể tranh cãi.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABC News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đang tiến gần hơn đến việc chấm dứt xung đột hơn nhiều người nghĩ.
Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: “Bạn biết rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc trong hòa bình theo cách này hay cách khác. Nhưng đối với chúng tôi, đạt được các mục tiêu của mình chắc chắn là giải pháp thay thế duy nhất. Ngay khi các mục tiêu này đạt được theo cách này hay cách khác, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc”. (Sputniknews)
Trung Đông-châu Phi
*Quân đội Israel không kích trúng hơn 1.300 mục tiêu Hezbollah trong 24 giờ: Quân đội Israel tối 23/9 cho biết các cuộc không kích ở Lebanon đã nhắm trúng hơn 1.300 mục tiêu của nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn trong 24 giờ qua.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên quân đội Daniel Hagari nói rằng các đợt không kích đã nhắm trúng “hơn 1.300 mục tiêu”. Một tuyên bố trước đó của quân đội Israel nêu rõ các mục tiêu bao gồm “các tòa nhà, phương tiện, và cơ sở hạ tầng nơi đặt tên lửa, đạn đạo, bệ phóng và máy bay không người lái gây đe dọa”.
Trong một tuyên bố riêng 23/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết “trong ngày hôm nay chúng tôi đã vô hiệu hóa hàng chục nghìn tên lửa và đạn dược chính xác…Đây là tuần lễ khó khăn nhất đối với Hezbollah kể từ khi thành lập – kết quả đã nói lên tất cả”. (AFP)
*Mỹ quyết tâm hiện thực hóa lệnh ngừng bắn ở Gaza: Ngày 23/9 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận con tin với Hamas, trong khi tìm cách giảm căng thẳng ở biên giới Israel – Lebanon.
Trả lời phỏng vấn với MSNBC, ông Sullivan nhấn mạnh: “Ông ấy (Tổng thống Biden) hoàn toàn không bỏ cuộc”. Ông cho biết đã có những thách thức khiến hai bên vượt qua các lằn ranh “nhưng chúng tôi quyết tâm tiếp tục”.
Liên quan đến tình hình ở Lebanon, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi tuyên bố nước này sẽ không để cho lực lượng Hezbollah nghỉ ngơi và các cuộc tấn công nhằm vào nhóm vũ trang này sẽ tiếp tục được tăng cường. (Reuters)
*Điện Kremlin cảnh báo nguy cơ mất ổn định toàn khu vực Trung Đông: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/9 cảnh báo các cuộc không kích của Israel vào Lebanon có nguy cơ làm mất ổn định toàn diện ở khu vực Trung Đông.
Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: “Sự kiện có nguy cơ gây xung đột mở rộng ra toàn bộ khu vực. Tất nhiên, điều này khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”. Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết con đường để hướng tới ổn định tình hình Trung Đông đang gặp nhiều khó khăn do bị chi phối bởi “một quốc gia” song ông không nêu tên cụ thể.
Máy bay chiến đấu Israel bắt đầu thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn vào các khu vực miền Nam và miền Đông Lebanon từ ngày 23/9. Trong khi đó, các chiến binh Hezbollah đã bắn hàng trăm quả rocket mỗi ngày vào miền Bắc Israel. (Al Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Lebanon trải qua ‘ngày chết chóc’ nhất gần 20 năm qua, Israel chưa dừng lại, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ Beirut |
*Gần 500 người thiệt mạng tại Lebanon, HĐBA LHQ được yêu cầy họp khẩn: Ngày 23/9, Pháp đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để thảo luận về tình hình Lebanon sau khi Israel tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 23/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nêu rõ: “Tôi đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ về Lebanon trong tuần này”, và kêu gọi tất cả các bên “tránh một cuộc xung đột khu vực lớn có thể gây hậu quả tàn khốc cho tất cả mọi người”, đặc biệt là dân thường.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế Cộng đồng Lebanon tuyên bố, có 492 người, bao gồm 35 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào miền Đông và miền Nam nước này trong ngày 23/9, đây là ngày có số thương vong cao nhất trong gần một năm đụng độ xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah. (AFP)
*Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Israel: Theo báo The Herald của Mỹ ngày 23/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Israel là một “quốc gia khủng bố” đang có kế hoạch mở rộng cuộc chiến ở Gaza sang khu vực Trung Đông.
Tổng thống Erdogan tuyên bố, Israel đã thể hiện rõ ràng rằng họ không quan tâm đến dân thường và sẽ tìm cách đạt được mục tiêu của mình bằng mọi giá, do đó, cần gia tăng áp lực đối với Israel để ngăn chặn khu vực bị kéo vào một thảm họa lớn hơn.
Bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trước phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực Trung Đông leo thang, với việc quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích “mở rộng” vào 300 mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon. (Al Zareera)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Trung Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế cho Venezuela: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/9 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội cho Venezuela.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Venezuela Yvan Gil bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ luôn luôn hỗ trợ Venezuela trong mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ phẩm giá quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của Venezuela”. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc và Venezuela là “những người bạn và đối tác tốt”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Maduro, người dân Venezuela sẽ đoàn kết, vượt qua thách thức và đạt được những mục tiêu mới trong quá trình phát triển dân tộc. (Sputniknews)
*Mỹ Latinh từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga: Đại sứ Nga tại Cuba Viktor Koronelli ngày 24/9 cho biết chỉ có một quốc gia Mỹ Latinh tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, điều đó cho thấy lập trường độc lập và thể hiện mối quan hệ sâu sắc của những quốc gia còn lại ở lục địa này với Moscow.
Trong tuyên bố, Đại sứ Koronelli khẳng định: “Ở Mỹ Latinh và Caribe, chỉ có một quốc gia tham gia các biện pháp chống Nga, bao gồm việc áp đặt các lệnh trừng phạt. Quốc gia đó là Bahamas. Không một quốc gia nào khác ở Mỹ Latinh và Caribe tham gia vào các lệnh trừng phạt. Điều này thể hiện rõ ràng lập trường độc lập của các quốc gia Mỹ Latinh và mức độ của mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia đó”.
Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng các nước Mỹ Latinh là những đối tác quan trọng của Moscow ở Tây Bán Cầu và hoạt động ngoại giao tích cực đang được thúc đẩy ở hầu hết các quốc gia này. (AFP)
*Ukraine hối thúc Mỹ quyết đoán để chấm dứt xung đột: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ có hành động quyết đoán để đẩy nhanh việc chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào năm tới. Phát biểu sau cuộc gặp phái đoàn lưỡng đảng từ Quốc hội Mỹ, ông Zelensky nhấn mạnh cơ hội tăng cường hợp tác Ukraine-Mỹ vào cuối năm nay.
Tổng thống Ukraine đang có chuyến thăm Mỹ để tham dự các phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và trình bày “kế hoạch chiến thắng” với giới lãnh đạo Mỹ. Ông cho rằng hành động quyết đoán của Mỹ lúc này có thể đẩy nhanh việc kết thúc cuộc xâm lược của Nga một cách công bằng vào năm sau. (Reuters)
*Argentina, Venezuala ra lệnh bắt Tổng thống của nhau: Ngày 23/9, tờ Clarin của Argentina đưa tin Tòa án liên bang Buenos Aires đã ra lệnh bắt Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro để thẩm vấn về cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tòa án đã gửi yêu cầu tới tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) bắt giữ ông Maduro cùng 30 quan chức Chính phủ Venezuela, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Diosdado Cabello.
Cùng ngày 23/9, Tòa án Tối cao Venezuela (TSJ) đã phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Argentina Javier Milei liên quan tới vụ máy bay của hãng hàng không Venezuela Emtrasur, bị tịch thu tại Buenos Aires.
Trước đó, ngày 18/9, Tổng chưởng lý Toà án Tối cao Venezuala Tarek William Saab đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Milei, cùng Tổng thư ký Phủ Tổng thống Karina Milei và Bộ trưởng An ninh Patricia Bullrich với cáo buộc phạm tội “can thiệp bất hợp pháp vào an toàn hoạt động hàng không dân dụng”. (AFP)
*Colombia cảnh báo âm mưu ám sát Tổng thống Petro: Ngày 23/9, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Iván Velásquez xác nhận có âm mưu ám sát Tổng thống Gustavo Petro. Các cơ quan chức năng đang triển khai biện pháp tăng cường an ninh bảo vệ người đứng đầu nhà nước. Ông Velásquez cho biết đã chỉ thị tất cả cơ quan tình báo thu thập thông tin về âm mưu này.
Trước đó ngày 22/9, khi phát biểu tại Mỹ, Tổng thống Petro đã tố cáo âm mưu sử dụng súng bắn tỉa và thuốc nổ để sát hại ông. Ông cũng cảnh báo về âm mưu lật đổ tại cơ quan lập pháp và kêu gọi quân đội bảo vệ nền dân chủ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Luis Gilberto Murillo thông báo Chính phủ Mỹ đã cảnh báo Colombia về những rủi ro đối với an ninh của Tổng thống Petro. (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-249-nga-mo-cang-chien-luoc-moi-o-dai-tay-duong-tho-nhi-ky-chi-trich-israel-indonesia-bat-giu-tau-ca-malaysia-287534.html