Ngày 17/6, trong cuộc hội đàm với phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi tại St.Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố dự thảo hiệp ước sơ bộ với Ukraine, văn kiện được soạn thảo hồi tháng 3/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đan Mạch muốn chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. (Nguồn: Arenalogic) |
Tổng thống Putin nói: “Như các ngài đã biết, một loạt cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin và soạn thảo văn bản hiệp ước.
Chúng tôi không thống nhất với phía Ukraine rằng thỏa thuận này sẽ được bảo mật, nhưng chúng tôi không bao giờ công bố hoặc bình luận về nó. Dự thảo hiệp ước này được ký tắt bởi người đứng đầu nhóm đàm phán từ Kiev. Ông ta đã đặt bút ký vào đó. Nó đây!”.
Theo Tổng thống Putin, văn kiện nêu trên được gọi là “Hiệp ước Trung lập vĩnh viễn và đảm bảo an ninh cho Ukraine”, bao gồm 18 điều khoản. Điểm 1 của Khoản 1 trong dự thảo hiệp ước tuyên bố: “Ukraine cam kết duy trì tính trung lập vĩnh viễn, được tuyên bố và ghi vào Hiến pháp Ukraine”.
Những điểm tiếp theo của văn kiện khẳng định các quốc gia bảo lãnh công nhận, tôn trọng và đảm bảo địa vị của Ukraine là một quốc gia trung lập vĩnh viễn, đồng thời cam kết đảm bảo tuân thủ địa vị này ở cấp độ quốc tế.
Đổi lại, Kiev “cam kết không thực hiện những hành động trái với quy chế pháp lý quốc tế về tính trung lập vĩnh viễn”.
Danh sách các quốc gia bảo lãnh được nêu trong phần mở đầu của dự thảo hiệp ước bao gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 17/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen tuyên bố, Copenhagen sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine và mong muốn Mỹ ủng hộ quyết định này.
Phát biểu tại diễn đàn Folkemødet ở Allinge, ông Poulsen cho biết, quyết định cuối cùng vẫn chưa được thông qua và Đan Mạch không thể tự quyết định mà cần được Washington “bật đèn xanh” vì máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ phát triển.
Trước đó, Đan Mạch và Hà Lan đã cam kết bắt đầu đào tạo phi công Ukraine và kỹ thuật viên máy bay trên những chiếc chiến đấu cơ đa năng F-16.
Truyền thông đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden “phát tín hiệu cho các đồng minh châu Âu” rằng Washington sẽ không cản trở quyết tâm đưa F-16 đến Ukraine.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố, Mỹ sẽ không cung cấp F-16 từ kho dự trữ của quân đội nước này. Thay vào đó, Washington có thể “tập trung nhiều hơn vào hoạt động chuyển giao của bên thứ ba, nhưng Tổng thống Biden chưa đưa ra quyết định cuối cùng”.