Sau những tổn thất đầu xung đột tại Ukraine, xe tăng Nga đang được áp dụng các chiến thuật mới nhằm giảm thiểu tổn thất và thoát khỏi tầm ngắm của vũ khí chống tăng.
Xe tăng T-80 bị phá hủy được tìm thấy tại Bogorodychne ở vùng Donbas trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Getty) |
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, nước này đã tích cực sử dụng xe tăng chiến đấu đi tiên phong. Điều này dẫn đến những tổn thất lớn về xe tăng của nước này.
Tuy nhiên, một báo cáo hồi tháng 5 của Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết các xe tăng Nga hiện nay chủ yếu sử dụng các chiến thuật thận trọng hơn để hỗ trợ bộ binh, đồng thời sử dụng các công nghệ và kỹ thuật ngầm làm giảm hiệu quả của các tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp.
Ông Jack Watling và ông Nick Reynold, các tác giả của báo cáo, đã có những phát hiện mới về thiết giáp Nga thông qua các cuộc phỏng vấn với nhiều cá nhân khác nhau trực tiếp tham gia xung đột.
Thích ứng với tình hình thực tế
Báo cáo của RUSI chỉ ra rằng, sau những tổn thất đầu chiến dịch, thiết giáp Nga đang sử dụng các chiến thuật mới nhằm giảm thiểu tổn thất bằng cách giữ xe tăng ở vai trò hỗ trợ. Cụ thể là hỗ trợ hỏa lực trực tiếp bởi xe tăng nằm cách đối phương khoảng 1,2 dặm (2km), ngoài tầm với của vũ khí chống tăng tầm ngắn.
Nếu trong khoảng cách đó, lính tăng Nga sử dụng hệ thống quang học để phát hiện vị trí của đối phương và dùng hỏa lực trực tiếp của súng chính.
Hiện tại, một chiến thuật được ưa chuộng của Nga là tấn công bằng súng, được thực hiện hiệu quả vào ban đêm bởi các xe tăng 0020T-80BVM nhanh nhẹn được trang bị hệ thống quang học nhiệt thụ động vượt trội.
Trong các cuộc đột kích như vậy, một chiếc xe tăng Nga lao tới để có thể bắn thẳng vào một vị trí đối phương, bắn hết đạn càng nhanh càng tốt, sau đó lao ngược ra ngoài tầm nhìn. Những cuộc tấn công như vậy thường được định thời điểm trong khi đối phương đổi ca nhằm gây hỗn loạn tối đa.
Xe tăng Nga, đặc biệt là xe cũ, cũng đang được sử dụng làm pháo binh bắn gián tiếp. Báo cáo nhận xét rằng mặc dù việc này không hiệu quả do góc bắn thấp, nhưng xe tăng được bảo vệ đầy đủ để hỗ trợ ở những khu vực có nguy cơ cao hơn, nơi các đoàn xe tiếp tế pháo binh và đạn dược sẽ có nguy cơ bị phá hủy nghiêm trọng, đặc biệt là từ các cuộc tấn công từ trên không hoặc các loạt pháo phản công.
Báo cáo của RUSI nhận xét rằng ngay cả những chiếc xe tăng T-54 và T-62 lỗi thời mà Nga triển khai tới Ukraine cũng gây ra ảnh hưởng lớn tại xung đột khi có một số lượng hạn chế tên lửa chống tăng có điều khiển tầm xa. Những tên lửa chống tăng hiệu quả hơn với vai trò hỗ trợ hỏa lực so với hầu hết các xe chiến đấu bộ binh có pháo nhỏ hơn, tầm bắn ngắn hơn.
Những chiếc xe tăng cũ hơn, dễ sử dụng hơn cũng thường được sử dụng trong xung đột đô thị, nơi phạm vi giao tranh ngắn và các cuộc phục kích bên sườn diễn ra khiến lợi thế của xe tăng hiện đại với hệ thống quang học vượt trội và lớp giáp trước bị giảm đi.
Báo cáo lưu ý rằng xe tăng Nga đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong xung đột đô thị thông qua việc trấn áp các cấu trúc đô thị và đột phá nhanh chóng các tòa nhà để tránh xâm nhập qua các điểm thắt nút và các con đường tiến công. Như vậy, xe tăng Nga đang được sử dụng để phá hủy các hành lang mới xuyên qua các tòa nhà theo đúng nghĩa đen, qua đó bộ binh có thể xâm nhập với ít rủi ro hơn.
Kết hợp công nghệ và chiến thuật
Trong thời gian qua, có nhiều hình ảnh và video về xe tăng Nga xuất hiện được bao phủ bởi những chiếc hộp kỳ lạ trông giống như viên gạch. Đó là giáp phản ứng nổ (ERA), giúp bảo vệ phương tiện và binh sĩ ngồi trong xe trước vũ khí chống tăng.
Báo cáo nhấn mạnh những “viên gạch” này thực sự có hiệu quả cao chống lại hầu hết các tên lửa chống tăng có điều khiển, bao gồm cả tên lửa Kombat phóng bằng súng mà xe tăng Ukraine sử dụng. Nhiều đòn tấn công bằng tên lửa dẫn đường đôi khi không hạ gục được xe tăng Nga.
Không những vậy, Nga đang ghi nhận một số thành công với các biện pháp đối phó nhằm đánh bại tên lửa tấn công tầm nhiệt Javelin của Mỹ – loại tên lửa được cho là đắt nhất và có sức mạnh nhất mà Ukraine được cung cấp.
Một trong những chiến thuật của Nga là hoạt động vào khoảng thời gian hoàng hôn và bình minh khi các thiết bị chụp ảnh nhiệt gặp khó khăn trong việc phân biệt các phương tiện để giảm đáng kể xác suất bị phát hiện, đồng thời sử dụng các lớp phủ giảm thiểu tín hiệu hồng ngoại.
Bên cạnh đó, những thay đổi đối với sàn động cơ trên xe tăng Nga có hiệu quả trong việc giảm nhiệt, ví dụ như các ống thoát nhiệt được phát hiện trên một số xe tăng Nga nhằm chuyển hướng tên lửa IR.
Những phát hiện trong báo cáo của RUSI dường như mâu thuẫn với việc phương tiện truyền thông phương Tây ồ ạt đưa tin về việc xe tăng Nga bị phá hủy. Nhưng báo cáo này cũng có thể cho thấy các phương pháp chống tăng không được mô tả ở trên là nguyên nhân gây ra phần lớn các tổn thất.
Liệu những sự thích ứng của Nga có thể ngăn chặn những tổn thất về xe tăng từ xung đột ở Ukraine hay không thì vẫn còn phải chờ xem.