Theo tờ Business Insider, một trong những cơ quan bí mật nhất của Nga, Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu (GUGI), có thể đóng vai trò quan trọng khi xảy ra cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và phương Tây. Nga chưa bình luận gì về những thông tin dưới đây.
Tách biệt với Hải quân Nga
GUGI được thành lập vào năm 1965 và được coi là cơ quan giám sát cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng của Nga, bao gồm cáp ngầm dưới biển và đường ống năng lượng. Dù trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga nhưng cơ quan này tách biệt với hải quân, theo ông Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu về quyền lực biển tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Ít ai biết về quy trình đánh giá và tuyển chọn của GUGI, nhưng đây dường như là lực lượng ưu tú và rất khó để gia nhập. Theo chuyên gia Kaushal, ứng viên phải là sĩ quan và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc với tàu ngầm, và sẽ trải qua khóa huấn luyện tương tự như các phi hành gia thời Liên Xô. Vụ hỏa hoạn vào tháng 7.2019 trên Losharik, một tàu ngầm do GUGI vận hành, đã chứng minh suy đoán trên là đúng, khi 14 thủy thủ thiệt mạng trong tai nạn đều được xác nhận là sĩ quan.
Sự chuyên môn hóa cũng được phản ánh trong tiền lương của nhân viên. Theo ông Kaushal, thành viên của GUGI nhận được “mức lương đáng kể” bởi vì tổ chức coi đây là “một phần thưởng cho thời gian họ làm việc ở độ sâu cực lớn”. Chuyên gia này cung cấp con số, song chưa được xác nhận, rằng vào năm 2012, nhân viên của GUGI được trả 600.000 rúp (158 triệu đồng) mỗi tháng.
Chi tiết về cơ cấu lực lượng, theo Business Insider, GUGI vận hành một số tàu ngầm và tàu nổi. Khoảng 6 tàu ngầm biển sâu chạy bằng năng lượng hạt nhân chuyên dụng, với 3 chiếc trong số đó là thuộc loại mini có thể lặn 1.000 mét. Riêng chiếc Losharik có khả năng tiếp cận các cơ sở hạ tầng ở độ sâu 3.000 mét. Tuy nhiên, kích thước nhỏ đã hạn chế tầm hoạt động của các tàu này. Để khắc phục, hạm đội của GUGI được trang bị thêm 2 tàu ngầm năng lượng hạt nhân để mang các tàu nhỏ hơn dưới thân tàu và đưa chúng đến gần mục tiêu. GUGI cũng vận hành tàu đặc nhiệm chạy bằng năng lượng hạt nhân Belgorod, tàu ngầm dài nhất thế giới, chở được một chiếc Losharik.
GUGI sở hữu một số tàu nổi, đáng chú ý trong đó là tàu khảo sát Yantar, có thể mang theo một tàu lặn biển có người lái xuống độ sâu 6.000 mét để lập bản đồ các đường ống và dây cáp dưới nước. Trước đó, chuyên gia người Mỹ HI Sutton, chuyên nghiên cứu về tàu ngầm Nga, nói với trang The Barents Observer vào năm 2018 rằng Moscow đã “đầu tư rất nhiều vào hạm đội bí mật này, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn”.
Nhiệm vụ gì?
Trong khi Nga chưa từng xác nhận, trang News.com.au dẫn lời các quan chức tình báo phương Tây cho rằng GUGI đứng sau việc lập bản đồ, phát triển và thử nghiệm tàu tác động vào cơ sở vật chất dưới biển sâu. Cơ quan này cũng được cho là có nhiệm vụ duy trì mạng lưới cảm biến dưới biển của Nga và giám sát gần các pháo đài hàng hải của nước này, báo cáo của RUSI cho hay.
Theo Business Insider, năm 2021, tàu Yantar bị phát hiện đang nấn ná gần các tuyến cáp ngầm dưới biển phía tây Ireland vào năm 2021. Nhân viên từ đơn vị St. Petersburg, một trong 2 điểm đóng quân của GUGI, cũng được phát hiện gần đường ống Nord Stream 2 khi quá trình xây dựng hoàn tất vào giữa năm đó. Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, các tuyên bố nhắm vào Nga tiếp tục được lặp lại. Cơ quan tình báo thuộc Tổ chức Bắc Đại Tây Dương cảnh báo rằng Nga có thể cố gắng phá hoại các tuyến cáp ngầm dưới biển để trả đũa việc phương Tây ủng hộ Ukraine. Nga cũng có những cáo buộc tương tự nhằm vào đối phương.
Tuy nhiên, theo Business Insider, việc quy hành vi gián điệp hoặc phá hoại cụ thể cho GUGI là rất khó vì bản chất hoạt động bí mật cơ quan này, và vì hải quân Nga cũng có các nhiệm vụ tương tự. Hải quân Nga vận hành các tàu nghiên cứu hải dương học mà phương Tây cho rằng có chức năng như tàu do thám và có thể chia sẻ dữ liệu với GUGI.
AP trong tuần này đưa tin các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trong các mẫu lấy từ một chiếc du thuyền trong cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết cuộc điều tra vẫn chưa xác định được ai đã phá hoại các đường ống chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức, hoặc liệu có một quốc gia cụ thể nào có liên quan hay không. Nga và phương Tây đã quy trách nhiệm phá hoại đường ống cho nhau. Kể từ sau vụ nổ, NATO đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Baltic và Biển Bắc, điều hàng chục tàu, máy bay và thiết bị dưới biển như máy bay không người lái đến khu vực.