Thời gian gần đây, những lo ngại về chiến tranh hạt nhân gia tăng sau khi Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức, có khả năng tấn công Nga và Moscow tuyên bố sẽ đáp trả tương tự.
Hải quân Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk ngày 14/4/2018. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7, Mỹ và Đức tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở quốc gia Trung Âu vào năm 2026 để thể hiện cam kết của hai nước với NATO và phòng thủ châu Âu. “Việc triển khai vũ khí hiện đại sẽ chứng minh cam kết của Mỹ đối với NATO và những đóng góp của chúng tôi vào khả năng răn đe tích hợp của châu Âu”, Nhà Trắng cho hay.
Hệ thống được triển khai sẽ bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa đạn đạo SM-6 và một số tên lửa siêu thanh mới hiện đang được phát triển. Điều kiện chính của thỏa thuận là không có tên lửa nào được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Đây là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến cả Nga và các đồng minh NATO rằng liên minh này đang tăng cường đáng kể năng lực hiện có của mình để ứng phó với những hành động trực tiếp chống lại khối này.
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”
Ngay lập tức, Nga đã phản ứng kế hoạch này, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc triển khai đầu đạn hạt nhân đến các địa điểm trong phạm vi Tây Âu. Phát biểu tại cuộc Diễu hành Hải quân quy mô lớn, nhân Lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại thành phố Saint Petersburg ngày 28/7, Tổng thống Nga Putin cảnh báo động thái từ phía Mỹ có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Với thời gian bay đến các mục tiêu chỉ khoảng mười phút, tất cả các mục tiêu quan trọng của Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa này, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước và quân đội, các trung tâm hành chính – công nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc phòng, đe dọa đến an ninh quốc gia Nga.
Theo ông, nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa chính xác tầm xa ở Đức, Nga sẽ coi mình không bị ràng buộc bởi lệnh cấm triển khai các vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc nâng cao khả năng của các lực lượng ven bờ của Hải quân Nga… Việc phát triển các hệ thống tương tự ở Nga hiện đang ở giai đoạn hoàn thiện… Nga sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng với những triển khai của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cũng như khu vực khác trên thế giới.
Đồng thời, ông cho biết, vì vũ khí của NATO “trong tương lai có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân” nên Nga sẽ “thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng”.
Tờ Financial Times tiết lộ có được thông tin rò rỉ về các tài liệu quân sự được phân loại của Nga, Hải quân Nga đã được huấn luyện để nhắm mục tiêu vào các địa điểm trên khắp châu Âu “có thể vươn xa đến những nơi như bờ biển phía Tây của Pháp hay Barrow-in-Furness ở Anh”.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. (Nguồn: Reuters) |
Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987 nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước này vào năm 2019, viện dẫn bằng chứng về việc Nga không tuân thủ. Tổng thống Putin sau đó phủ nhận việc Nga triển khai vũ khí vi phạm Hiệp ước, nhưng cho biết Moscow cũng không còn bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ của Hiệp ước. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại mới về một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu giữa Nga và liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Châu Âu củng cố năng lực phòng thủ
Về phía Đức, người đứng đầu phe nghị viện của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Rolf Mützenich cho biết, quyết định triển khai tên lửa tầm xa tại Berlin có thể dẫn đến leo thang vũ trang mới khi sự cứng rắn của Nga khiến châu Âu phải tập trung củng cố sự mất cân bằng trong khả năng tấn công chiến lược.
Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là tăng cường năng lực phòng thủ. Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI) được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề xuất năm 2022 và được 10 quốc gia đồng minh NATO ký vào tháng 10/2023. ESSI bao gồm một kế hoạch chung nhằm mua sắm các hệ thống phòng không tích hợp có thể được vận hành song song. Sáng kiến này mở rộng tới 21 quốc gia, bao gồm cả Thụy Sỹ, vốn là một quốc gia trung lập.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, Pháp, Đức, Italy và Ba Lan đã tiến xa hơn khi ký Hiệp định tiếp cận tấn công tầm xa châu Âu (ELSA). Hiệp định nhằm mục đích cho phép phát triển, sản xuất và cung cấp năng lực tấn công tầm xa của châu Âu để bổ sung cho thỏa thuận giữa Mỹ và Đức.
Theo NATO, chiến lược phòng thủ của Nga dựa trên việc sử dụng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn nhằm ngăn chặn lực lượng NATO tiến vào phạm vi của Moscow. Đây được gọi là chiến lược quân sự chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), có từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, mặc dù chiến lược này sau đó đã được cải tiến qua nhiều năm.
Hiện tại, kho vũ khí tên lửa phóng từ trên không và trên biển của NATO không có khả năng vượt qua được hệ thống phòng thủ A2/AD của Nga vì tên lửa tầm xa nhất mà tổ chức này từng triển khai ở châu Âu là Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội (ATACMS) – được sử dụng chủ yếu ở Ukraine và giới hạn với tầm bắn tối đa là 300 km.
Trên thực tế, NATO đang sở hữu một loạt hệ thống tên lửa tầm xa với tầm bắn lên tới 3.000km, có thể được sử dụng để phòng thủ và tấn công các mục tiêu có giá trị cao, sâu bên trong nước Nga. Các lớp tên lửa siêu thanh hiện đang được NATO phát triển có thể phóng tải trọng với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Trong khi hầu hết các lớp hệ thống vũ khí của NATO được cấu hình để mang đầu đạn thông thường thì tên lửa tấn công mặt đất BGM-109A Tomahawk trước đây đã mang đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa khác chắc chắn có thể được cải tiến để làm như vậy.
Theo đánh giá của giới quan sát, thời điểm này NATO không có hệ thống tên lửa mặt đất nào ở châu Âu có khả năng ngăn chặn đầy đủ hành động tấn công của Nga đối với một thành viên của khối. Các hệ thống A2/AD của Nga đủ để ngăn NATO tiếp cận trong phạm vi tấn công.
Nguy cơ cạnh tranh hạt nhân mới
Không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ đang mạnh lên về tiềm lực hạt nhân trong thập kỷ tới là Trung Quốc. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ trong chuyến thăm Australia vào tháng trước, đến năm 2034, Trung Quốc sẽ có nhiều vũ khí hạt nhân chiến lược như Mỹ hiện nay. Vì vậy, trong 10 năm tới, nước Mỹ có thể bị Nga và Trung Quốc vượt mặt về số lượng khi sở hữu hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược so với 1.500 đầu đạn của Washington.
Theo các điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới năm 2018, Nga và Mỹ mỗi bên được phép sở hữu 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2026. Tuy vậy, năm ngoái, Nga đã tạm dừng các cam kết trong Hiệp ước của mình – mặc dù Moscow tuyên bố sẽ tuân thủ giới hạn số lượng là 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai.
Một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ cơ sở ở Thái Bình Dương, trước khi bị đánh chặn thành công bởi tên lửa Standard Missile-6 từ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones, tại Kauai, Hawaii, Mỹ ngày 29/8/2017. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Ông Pranay Vaddi, trợ lý đặc biệt của Tổng thống về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hội đồng An ninh quốc gia Nga nhận định về khả năng một số quốc gia châu Á “đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với tốc độ chóng mặt và không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí”.
Chuyên gia này đánh giá thập kỷ vừa qua đã bộc lộ những vết nứt nghiêm trọng trong các trụ cột quốc tế về việc giảm thiểu nguy cơ hạt nhân, sự nổi bật của vũ khí hạt nhân và hạn chế kho vũ khí chiến lược của các cường quốc hạt nhân lớn nhất. Đồng thời ông cho rằng, việc cân bằng tổng số vũ khí hạt nhân giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc sẽ là một bước đi cực kỳ tốn kém và có thể mất vài thập kỷ.
Tóm lại, ông Pranay Vaddi nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh của mình “phải chuẩn bị cho một thế giới mà sự cạnh tranh hạt nhân diễn ra không bảo đảm hạn chế về số lượng”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/my-nga-chay-dua-ten-lua-chau-au-lo-lang-nguy-co-chien-tranh-hat-nhan-chuyen-gia-canh-bao-vet-nut-nghiem-trong-278222.html