Nga bắt 4 nữ đặc vụ Ukraine, Iran nói không nên đàm phán với Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan ký nhiều thoả thuận

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế07/02/2025

Tổng thống Brazil nói ông Trump không được bầu để "cai trị thế giới", Moscow đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Panama rút khỏi Vành đai và Con đường, Nga mở rộng quyền tịch thu tài sản nước ngoài… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.


Lần đầu tiên sau 10 năm, Nga cung cấp trực thăng cho đồng minh này của Mỹ. Getty Images)
Lần đầu tiên sau 10 năm, Nga cung cấp trực thăng cho Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ ở châu Á. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc, Thái Lan ký nhiều thoả thuận quan trọng: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin,Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nói với người đồng cấp Thái Lan Paetongtarn Shinawatra rằng Bắc Kinh khuyến khích tăng cường đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này nhằm khai thác tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực, kể cả xe điện và trí tuệ nhân tạo.

Theo tin trên, hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác song phương trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Thái Lan tuần này, bao gồm cả các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, kiểm dịch - kiểm tra hải quan và phát triển xanh. (CCTV)

*Nga cung cấp trực thăng cho Hàn Quốc lần đầu tiên trong thập kỷ: Theo phân tích của RIA Novosti từ dữ liệu của cơ quan thống kê Hàn Quốc, Nga đã bàn giao nhiều máy bay trực thăng cho Hàn Quốc trong năm 2024 lần đầu tiên sau 10 năm, trong khi cắt giảm 2/3 xuất kim ngạch xuất khẩu phụ tùng máy bay so với năm trước.

Động thái này cho thấy sự thay đổi trong chiến lược xuất khẩu của Nga, khi chuyển từ cung cấp linh kiện sang cung cấp máy bay hoàn chỉnh, trong bối cảnh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp lớn khác trên thị trường Hàn Quốc. (RIA Novosti)

*Trung Quốc chỉ trích "tư duy Chiến tranh Lạnh" của Mỹ: Ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án "tư duy Chiến tranh Lạnh" của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh phản đối bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong chuyến thăm khu vực.

Người phát ngôn này cho rằng những phát biểu của ông Rubio "buộc tội Trung Quốc một cách vô căn cứ, cố tình gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latin liên quan, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, cũng như phương hại đến các quyền và lợi ích chính đáng của Trung Quốc". (AFP)

*Nhật Bản cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga: Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ngày 7/2 cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa nước này và Nga, vấn đề đã ngăn cản hai bên ký kết hiệp ước hòa bình, trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong thông điệp video gửi tới cuộc mít tinh đòi trả lại các đảo ngoài khơi Hokkaido, ông Ishiba cho hay Chính phủ Nhật Bản sẽ ưu tiên nối lại các chương trình trao đổi cho phép cựu cư dân thăm các đảo này.

Quan hệ Tokyo-Moscow đã xấu đi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine năm 2022. (Kyodo)

*Trung Quốc phản ứng về việc Panama rút khỏi dự án Vành đai và Con đường: Ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Bắc Kinh "lấy làm tiếc" về quyết định của Panama rút khỏi chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, sau khi quốc gia Mỹ Latinh này chấm dứt tham gia dự án như một nhượng bộ với Washington.

Nhà ngoại giao Trung Quốc còn nêu rõ Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc Mỹ "bôi nhọ và phá hoại" sáng kiến Vành đai và Con đường thông qua "các biện pháp gây sức ép và cưỡng ép".(AFP)

Châu Âu

*Nga nối lại các chuyến bay đến vùng ly khai của Georgia sau ba thập kỷ: Hãng thông tấn nhà nước Nga (RIA) ngày 7/2 đưa tin, Nga nối lại các chuyến bay chở khách tới vùng ly khai Abkhazia của Georgia lần đầu tiên sau ba thập kỷ.

Nga công nhận Abkhazia và một khu vực ly khai khác là Nam Ossetia là các quốc gia độc lập vào năm 2008 sau khi đánh bại Georgia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày. Moscow duy trì các căn cứ quân sự của mình ở cả hai khu vực này và hỗ trợ nền kinh tế của cả Abkhazia và Nam Ossetia.

Cuộc chiến này đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga, quốc gia hậu thuẫn phe ly khai Abkhazia, với Georgia. Hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây khi quan hệ của Georgia với phương Tây xấu đi. (TASS)

*Thủ tướng Hungary công bố thỏa thuận kinh tế lớn với Mỹ: Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 7/2 tuyên bố Budapest đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận kinh tế "có khối lượng đáng kể và nghiêm túc" với Washington và thỏa thuận này đã được lên kế hoạch trước khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Orban cũng cho biết trong những năm gần đây khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế Hungary đã vượt khối lượng đầu tư của Mỹ và "cần phải giải quyết tình trạng đó và tạo ra triển vọng cho tương lai".

Hôm 4/2, Thủ tướng Orban tuyên bố chỉ những ai xây dựng mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau mới có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) "sẽ có những gì họ xứng đáng được nhận". (Politico)

TIN LIÊN QUAN
Tin thế giới ngày 6/2: Nga, Mỹ gấp rút chuẩn bị gặp thượng đỉnh, Trung Quốc khởi kiện Mỹ lên WTO, Ukraine gia hạn tình trạng chiến tranh

*Nga sắp mở rộng quyền tịch thu tài sản nước ngoài: Nga đang chuẩn bị mở rộng quyền đáp trả việc phương Tây tịch thu tài sản thông qua dự luật mới, cho phép nước này tịch thu các khoản tiền bị phong tỏa của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.

Dự luật về quy trình tịch thu tài sản nước ngoài - nhằm đáp trả các hành động tương tự của nước khác đối với tài sản Nga - đã được Ủy ban lập pháp của Chính phủ Nga thông qua trong tuần này. Dự luật mới được Bộ Tư pháp Nga soạn thảo là bước tiếp theo của sắc lệnh mà Tổng thống Vladimir Putin đã ký vào tháng 5/2024 về tài sản và chứng khoán Mỹ, có thể được Nga xác định là khoản bồi thường thiệt hại do việc tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa tại Mỹ. (Reuters)

*Tổng thống Ukraine thảo luận với phái viên Mỹ về chiến sự: Ngày 7/2, Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak thông báo Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã thảo luận về các cuộc gặp sắp tới và diễn biến trên chiến trường với ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga.

Theo ông Yermak, các vấn đề đã được thảo luận trong cuộc gặp nêu trên bao gồm chuyến thăm Ukraine của ông Kellogg, sự an toàn của dân thường Ukraine và các cuộc gặp tại Hội nghị An ninh Munich theo kế hoạch diễn ra trong tháng này. (Reuters)

*Điện Kremlin đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow và Washington chưa bắt đầu thảo luận về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Theo ông Peskov, chưa có bất kỳ liên lạc ban đầu nào về việc liệu cuộc gặp như vậy có cần thiết hay không, cũng như về địa điểm và cách thức tổ chức nếu cuộc gặp diễn ra.

Ông Trump và ông Putin đều bày tỏ mong muốn gặp nhau trực tiếp, với chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào mục tiêu đã tuyên bố của ông Trump là nhanh chóng chấm dứt chiến sự tại Ukraine. (Reuters)

*Nga bắt 4 nữ đặc vụ Ukraine âm mưu tấn công giới sĩ quan cấp cao: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 7/2 cho biết đã bắt giữ 4 phụ nữ được cho là các đặc vụ Ukraine có âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào giới sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga và các cơ sở năng lượng của nước này.

Theo FSB, 4 nữ đặc vụ nêu trên đã được huấn luyện điều khiển thiết bị bay không người lái, sử dụng vũ khí và chất nổ cũng như các phương pháp phát hiện giám sát bên ngoài ở Ukraine. FSB cũng khẳng định: “Các đối tượng bị bắt giữ đã thú nhận tội ác. Họ phải đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù giam”, đồng thời cho biết đang tiến hành các biện pháp xác định những người đã hỗ trợ 4 nữ đặc vụ Ukraine chuẩn bị các cuộc tấn công. (RIA Novosti)

Trung Đông-châu Phi

*Thủ tướng Netanyahu tặng máy nhắn tin bằng vàng cho ông Trump: Văn phòng thủ tướng Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump một máy nhắn tin bằng vàng khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Nhà Trắng trong tuần này.

Văn phòng thủ tướng Israel ngày 6/2 nêu rõ, món quà này tượng trưng cho "bước ngoặt trong cuộc chiến" chống Hezbollah, khi Israel tiến hành một chiến dịch gây thương vong nặng nề cho nhóm này bằng máy nhắn tin phát nổ vào tháng 9 năm ngoái. Chiến dịch chiến lược này thể hiện sức mạnh, ưu thế công nghệ và tài khéo léo của Israel.

Theo giới chức Lebanon, Israel đã gây khiến Hezbollah bị sốc thông qua những cuộc tấn công này, trong đó máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ đã khiến hàng chục chiến binh thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. (AFP)

*Lãnh tụ tối cao Iran nói không nên đàm phán với Mỹ: Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 7/2 cho biết kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng đàm phán với Mỹ là "không thông minh, khôn ngoan hay đáng trân trọng".

Ông Khamenei khẳng định: "Sẽ không có vấn đề nào được giải quyết bằng cách đàm phán với Mỹ".

Trước đó vào ngày 5/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington muốn đạt một thỏa thuận hạt nhân có cơ chế giám sát và kiểm chứng với Tehran.

Trong nhiệm kỳ đầu vào năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2015 với Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, qua đó làm tê liệt nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. (Al Jazeera)

*Israel cáo buộc Hezbollah vi phạm lệnh ngừng bắn: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận đã tấn công cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở miền Nam Lebanon, cáo buộc phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite vi phạm lệnh ngừng bắn.

IDF tuyên bố sẽ tiếp tục hành động để đập tan các mối đe dọa đối với Israel và ngăn chặn mọi nỗ lực của Hezbollah nhằm tái thiết lực lượng, phù hợp với các thỏa thuận ngừng bắn.

Hôm 27/1, Thủ tướng lâm thời Lebanon Najib Mikati cho biết chính phủ tạm quyền đã quyết định gia hạn thỏa thuận ngừng bắn với Israel đến ngày 18/2.

Theo thỏa thuận được ký ngày 27/11, quân đội Israel phải rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Liban trong vòng 60 ngày và Hezbollah phải rút lực lượng về phía Bắc sông Litani. (RIA Novosti)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Tổng thống Brazil: Ông Trump không được bầu để "cai trị thế giới": Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 6/2 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump được bầu để lãnh đạo nước Mỹ, chứ không phải "để cai trị thế giới".

Ông Lula lưu ý, Tổng thống Mỹ phải duy trì quan hệ "dân chủ và văn minh" với phần còn lại của thế giới, đồng thời miêu tả những tuyên bố của ông Trump về việc chiếm đóng một số quốc gia và vùng lãnh thổ là "những hành động khiêu khích".

Trước đó trong tuần, ông Trump đề xuất việc Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và tái phát triển khu vực này sau khi người Palestine được di dời đến nơi khác. (THX)

*Canada sẵn sàng tham gia lá chắn tên lửa "Vòm sắt" của Mỹ: Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair ngày 6/2 cho biết nước này đã sẵn sàng tham gia dự án phát triển lá chắn tên lửa "Vòm sắt" do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để bắt đầu lập kế hoạch cho hệ thống phòng không "Vòm sắt" cho Mỹ, tương tự như hệ thống mà Israel đã sử dụng để đánh chặn hàng nghìn tên lửa.

Đề xuất này đã vấp phải chỉ trích về chi phí dự kiến và việc hệ thống được thiết kế cho các mối đe dọa tầm ngắn, khiến nó không phù hợp để phòng thủ chống lại tên lửa liên lục địa - mối nguy chính đối với Mỹ. (AFP)

*Mỹ tịch thu máy bay của Chính phủ Venezuela: Ngày 6/2, Mỹ đã tịch thu chiếc máy bay thứ hai thuộc về Chính phủ Venezuela trong vòng chưa đầy một năm trong chuyến thăm Cộng hòa Dominicana của Ngoại trưởng Marco Rubio, bất chấp hoạt động ngoại giao mới chớm nở với nhà lãnh đạo cánh tả Nicolas Maduro.

Chính quyền Cộng hòa Dominicana đã tịch thu chiếc máy bay này vào năm ngoái sau khi nhà chức trách Mỹ cho biết máy bay đã vi phạm lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Venezuela.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các quan chức Venezuela đã sử dụng máy bay này để bay đến Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nicaragua và Cuba, và đã đưa máy bay đến Cộng hòa Dominicana để bảo dưỡng. (AP)

* Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường: Tổng thống Panama Jose Raul Mulino ngày 6/2 thông báo nước này đã chính thức rút khỏi sáng kiến về cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Phát biểu với báo giới, ông Mulino cho biết Đại sứ quán Panama tại Bắc Kinh đã thông báo cho phía Trung Quốc trước 90 ngày theo quy định về quyết định không gia hạn tham gia sáng kiến này.

Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ gây sức ép với Panama về việc giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama. (Reuters)



Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-72-nga-bat-4-nu-dac-vu-ukraine-iran-noi-khong-nen-dam-phan-voi-my-trung-quoc-thai-lan-ky-nhieu-thoa-thuan-303561.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available