Bác sĩ (BS) Huynh Wynn Tran, Phó giáo sư tại ĐH Y khoa California Northstate và Phó giáo sư dược khoa tại Viện ĐH Western University (Mỹ), nhận định để bằng cấp y khoa của VN được công nhận nhiều hơn trên thế giới thì VN nên chú trọng việc đào tạo sau ĐH, tập trung nhiều vào đào tạo thực hành và các BS muốn hành nghề y phải qua đào tạo nội trú.
“Ở Thái Lan, Philippines đã đào tạo y khoa hoàn toàn bằng tiếng Anh, từ đó tạo nền tảng, giúp BS hội nhập tốt, tiếp cận nền tri thức y khoa của thế giới. Nếu VN chưa thể áp dụng đào tạo 100% bằng tiếng Anh ngay thì có thể chuyển đổi dần dần bằng cách cho kiểm tra kết quả học tập của sinh viên theo từng học phần nhất định”, BS Huynh Wynn Tran cho hay.
GS-TS Thạch Nguyễn, Phó hiệu trưởng, Trưởng Khoa Y Trường ĐH Tân Tạo, cũng cho rằng yếu tố cần thiết để BS VN có thể tham gia hành nghề tại Mỹ hay châu Âu, là phải giỏi tiếng Anh. Tiếp đến là phải có thái độ không ngừng học hỏi vì y khoa thay đổi mỗi ngày. Ngoài ra, luôn luôn nghiên cứu tìm tòi để mang lại giá trị đóng góp cho y học, khoa học thế giới.
Hiện nay tại VN, có VinUni đào tạo ngành y khoa hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngành y đa khoa Trường ĐH Tân Tạo đào tạo theo hệ tiếng Việt, riêng các môn luyện thi USMLE sẽ dạy song ngữ Anh – Việt và đầu ra tiếng Anh là IELTS 5.5 hoặc tương đương. Các trường ĐH còn lại vẫn đang đào tạo bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, một số trường đang hướng tới việc phát triển ngoại ngữ của người học bằng cách thay đổi tuyển sinh đầu vào. Chẳng hạn từ năm 2019, ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM bắt đầu thêm phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn toán, hóa, sinh với điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS 6.0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên). Năm nay, lần đầu tiên trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) cho ngành y khoa và răng hàm mặt. Trường ĐH Y Hà Nội cũng đang dành tới 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn toán, hóa, sinh với chứng chỉ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, áp dụng với các ngành y khoa, răng hàm mặt.
BS Huynh Wynn Tran cho biết nước Mỹ hiện tại có khoảng 660.000 BS. Trong số này có đến 180.000 BS tốt nghiệp y khoa ngoài nước Mỹ, chiếm khoảng 26,15%. Thực tế các trường y trong nước Mỹ không đào tạo đủ BS để cung cấp cho cả nước. Mức lương trung bình sau khi xong chương trình nội trú là 170.000 – 250.000 USD/năm (khoảng 4,3 – 6 tỉ đồng).
“Các BS tốt nghiệp từ ngoài nước Mỹ sẽ khó vào nội trú các ngành chẩn đoán hình ảnh, da liễu, hồi sức gây mê, phẫu thuật não, thẩm mỹ và chấn thương chỉnh hình. Nhưng nội khoa, gia đình, tâm lý và nhi là những chuyên ngành mà BS tốt nghiệp tại Mỹ không ưa chuộng nên đây là mảnh đất màu mỡ để các BS tốt nghiệp ngoài nước Mỹ cạnh tranh”, BS Wynn Trần thông tin.