DNVN – Theo thống kê, người lớn ở Mỹ trung bình sử dụng hơn hai giờ mỗi ngày trên mạng xã hội, trong khi thanh thiếu niên dành thời gian gấp đôi con số đó cho các nền tảng như TikTok và Instagram.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng tính chất gây nghiện của mạng
xã hội đang làm nhiều người tìm kiếm cách “cai nghiện”. Số lượt tìm
kiếm trên Google về “cai nghiện mạng xã hội” đã tăng 60% trong thời
gian gần đây, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đến việc ngừng thói quen
này.
Việc từ bỏ mạng xã hội có thực sự mang lại khác biệt? Các nghiên
cứu cho thấy điều đó hoàn toàn có thể, với những lợi ích đáng kể cho sức khỏe
tinh thần và chức năng não bộ.
Tác động của mạng xã
hội đối với não bộ
Nhiều người nghi ngờ rằng việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội
đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mình. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi từ
“mục rữa não” (brain rot) được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn làm từ
của năm 2024.
Mạng xã hội được thiết kế để kích thích “hệ thống khen
thưởng” của não bộ, khiến việc từ bỏ trở nên khó khăn. Anna Lembke, chuyên
gia về nghiện chất, cho biết phương tiện kỹ thuật số có thể gây nghiện tương tự
như rượu và ma túy.
Khi lướt mạng xã hội, mỗi lượt thích hay bình luận đều kích
hoạt dopamine – chất hóa học tạo cảm giác vui vẻ trong não. Tuy nhiên, việc sử
dụng liên tục khiến não bộ mất cân bằng dopamine, dẫn đến trạng thái thiếu hụt,
buộc người dùng phải trực tuyến nhiều hơn để cảm thấy bình thường.
Giải pháp khắc phục
Chuyên gia Lembke khuyến nghị việc “cai nghiện” mạng
xã hội giúp não bộ thiết lập lại cơ chế cân bằng. Những người tham gia nghiên cứu
về việc ngừng sử dụng mạng xã hội trong hai tuần đã báo cáo giảm căng thẳng và
cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Việc tạm ngưng chỉ vài ngày cũng đem lại hiệu quả đáng kể. Một
nghiên cứu trên các cô gái từ 10 đến 19 tuổi chỉ ra rằng nghỉ ba ngày không sử
dụng mạng xã hội giúp tăng sự tự tin và giảm cảm giác xấu hổ về cơ thể.
Quá trình ngừng sử dụng ban đầu có thể gặp khó khăn, với các
triệu chứng như lo lắng hoặc thèm muốn. Nhưng vượt qua giai đoạn này giúp
“hệ thống khen thưởng” của não bộ được tái khởi động.
Cách duy trì thói
quen lành mạnh
Sau thời gian cai nghiện, việc duy trì các biện pháp bảo vệ
để tránh tái nghiện là rất quan trọng. Chẳng hạn, bạn có thể đặt điện thoại
ngoài phòng ngủ hoặc tắt thông báo mạng xã hội.
Thay vì tìm kiếm dopamine nhanh chóng, hãy tham gia vào các
hoạt động mang lại sự hài lòng lâu dài như học chơi nhạc cụ hoặc nấu ăn. Những
hoạt động này giúp não bộ giải phóng dopamine từ từ, duy trì sự cân bằng.
Các chuyên gia khuyến nghị tổ chức những đợt nghỉ mạng xã hội
định kỳ trong năm để giữ cân bằng trong việc sử dụng. Đây là cách tốt để đánh
giá mối quan hệ giữa bản thân và các nền tảng mạng xã hội.
Linh Chi (t/h)
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/nao-bo-cua-ban-thay-doi-ra-sao-khi-tam-dung-mang-xa-hoi/20250103075349887