Những con phố mua sắm vắng lặng
Mười giờ tối, bóng đêm ập đến khu phố Sayyida Zeinab của Cairo như bất kỳ nơi nào khác, nhưng trên những con phố mua sắm lấp lánh ánh đèn và trong các quán cà phê vỉa hè, ít người liếc nhìn đồng hồ. Có thể đã gần đến giờ đi ngủ ở các quốc gia khác, nhưng thủ đô Ai Cập vẫn còn thức.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến chính phủ phải ra lệnh đóng cửa sớm hơn: Mới 22h00 Sayyida Zeinab đã trở nên tối tăm: cửa chớp kim loại hạ xuống hoặc lăn xuống đất, biến mặt tiền cửa hàng rực rỡ, sáng đèn rực rỡ thành màu xám.
Nhiều năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cuộc sống trở nên khó khăn đối với hầu hết mọi người, trừ những người giàu nhất, Ai Cập thiếu khí đốt tự nhiên và tiền để mua thêm, khiến cả nước phải chịu tình trạng mất điện hàng ngày cho đến tận vài tuần trước.
Vì vậy, bắt đầu từ tháng 7, chính quyền đã được đưa ra yêu cầu: Để tiết kiệm điện, các cửa hàng phải đóng cửa trước 22h00 và các quán cà phê, nhà hàng và trung tâm thương mại phải đóng cửa trước nửa đêm, muộn hơn một chút vào cuối tuần. Chỉ có cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc được miễn trừ với quy định này.
Những người Cairo giàu có ở vùng ngoại ô rộng lớn có thể đi từ căn phòng có máy lạnh ra chiếc xe hơi có máy lạnh để đến trung tâm thương mại có máy lạnh, hoặc thậm chí cử người gác cửa đi làm việc vặt để khỏi phải ra ngoài trời nóng. Song ở những khu vực truyền thống chật chội, ồn ào của trung tâm Cairo, lựa chọn đó không tồn tại.
“Nếu bạn ra ngoài mua sắm vào ban ngày, bạn sẽ bị luộc chín”, Hind Ahmed, 51 tuổi, người đã cùng một người bạn đi lấy quần áo từ một thợ may, cho biết.
Người bạn của bà, Wafaa Ibrahim, 46 tuổi, hiếm khi ra ngoài nữa, dù hàng quán có mở cửa muộn hay không. Cô không đủ khả năng. “Ngay khi tôi hết tiền, tôi sẽ nhốt mình trong nhà”, Wafaa Ibrahim nói.
Đã hơn 22 giờ và những dấu hiệu tuân thủ lệnh cấm đã xuất hiện. “Trong những tuần gần đây, cảnh sát đã lái xe xuống các phố chính vào mỗi đêm để kiểm tra việc thực thi lệnh cấm”, một chủ cửa hàng sắp đóng cửa giải thích với khách.
Không có sức mạnh nào có thể làm Cairo hoàn toàn im lặng. Nhưng âm lượng của thành phố ấy đang thấp một cách bất thường, người mua sắm ngày càng ít đi ngay cả khi tiếng xe máy và xe tuk-tuk vẫn vang trên phố.
Khách du lịch ngạc nhiên trước con phố lung linh, trước sự thân thiện và khiếu hài hước nổi tiếng của người Ai Cập. Nhưng người dân địa phương cho biết họ nói đùa để đối phó với những gì họ không thể thay đổi.
“Việc làm ăn lúc này tệ hại khủng khiếp”, Saied Mahmoud, 41 tuổi, làm việc từ trưa cho đến giờ đóng cửa tại cửa hàng quần áo nhỏ hình nêm của cha mình gần nhà thờ Hồi giáo, cho biết.
Những gì Saied Mahmoud kiếm được chỉ đủ tiền ăn, tiền thuê nhà và tiền xe buýt sau nhiều năm giá cả tăng vọt, ngay cả khi lạm phát đã hạ nhiệt phần nào trong những tháng gần đây.
Giống như nhiều người Ai Cập có trình độ học vấn cao nhưng lại thiếu việc làm, Saied Mahmoud không thể tìm được công việc tốt hơn mặc dù có bằng thạc sĩ kinh doanh. Kết hôn? Anh chỉ có thể cười khi nghĩ đến chi phí cho một đám cưới, một người vợ và những đứa con.
Hy vọng về sự phát triển trở lại
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã hứa về sự thịnh vượng cho một Ai Cập mới. Tuy nhiên, việc phá giá tiền tệ liên tiếp bắt đầu từ năm 2016 đã làm tổn hại đến khả năng mua hàng hóa nhập khẩu mà Ai Cập phụ thuộc. Đại dịch Covid-19 cùng các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông gây sốc cho một nền kinh tế vốn đã suy yếu do các chính sách của ông El-Sisi.
Bất chấp nguồn tiền gần đây từ các nhà đầu tư và cho vay quốc tế đã ổn định nền kinh tế, giới phân tích cho rằng Ai Cập có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới trừ khi thực hiện những thay đổi lớn. Hiện tại, dù đất nước này đã mở rộng các chương trình phúc lợi, nhưng các gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã buộc Cairo phải cắt giảm trợ cấp bánh mì, khí đốt và điện vốn rất quan trọng đối với nhiều người Ai Cập nghèo.
Điều đó có nghĩa là tiệm cắt tóc của Ahmed Ashour còn ngột ngạt hơn nữa. Thường thì ông mở cửa từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng suốt mùa hè: Trời nóng đến mức da của đàn ông bị viêm nếu họ đến cạo râu vào ban ngày, ông giải thích. Bên cạnh đó, ông có một công việc ban ngày từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều tại một cơ quan nhà nước – ông không thể trang trải cuộc sống nếu không có cả hai.
Việc các con phố chính tối sớm có nghĩa là ít người qua lại hơn, chấm hết. Kết hợp điều đó với thực trạng ví tiền của khách hàng ngày càng mỏng đi, Ashour ước tính rằng ông đã mất 70% doanh thu trong cuộc khủng hoảng kinh tế.
“Khách hàng từ khắp khu phố thường ghé qua để cắt tóc và ở lại hàng giờ”, Ashour nói, ngồi trên những chiếc ghế đen cũ kỹ của mình với những tách cà phê và trà vô tận. “Bây giờ họ chào nhau rất nhanh trên đường đến với công việc thứ hai hoặc… thứ ba của họ”.
Mọi người phải trả tiền cho năm học mới, kỳ nghỉ hè và chi phí ngày càng tăng của hầu như mọi thứ. “Một người đàn ông sẽ cân nhắc những thứ khác, anh ta không còn chú ý đến vẻ ngoài của mình”, ông cho biết và lưu ý thêm rằng một số khách hàng đã học cách tự cắt tóc tại nhà.
Trong một con hẻm gần đó, Hosni Mohammed, 67 tuổi, đang chán nản thu dọn cửa hàng kính mắt sau một ngày ế khách. “Từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối”, ông nói. “Hầu như không có ai đến đây vào những ngày này”.
Tuy nhiên, “có người đã dạy tôi rằng việc kinh doanh buôn bán chỉ ngủ quên chứ không bao giờ chết hẳn”, Hosni Mohammed nói thêm và hy vọng về sự phát triển trở lại của nền kinh tế Ai Cập.
Quang Anh (theo NYT)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nang-nong-va-kho-khan-kinh-te-noi-am-anh-kep-doi-voi-nguoi-dan-ai-cap-post310328.html