DNVN – Chia sẻ tại hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”, chiều ngày 2/7, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp nhiều thách thức khi nâng hạng thị trường.
Theo Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường chứng khoán cận biên (lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell).
Nâng hạng thị trường chứng khoán là mục tiêu cần thực hiện. Đồng thời, tạo động lực để các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có sức hút mạnh mẽ sau hơn hai thập kỷ hoạt động.
Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong phân loại thị trường cận biên, trong khi, hầu hết các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đều theo đuổi cổ phiếu ở các thị trường mới nổi.
Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán.
“Bởi vậy, Việt Nam cần hành động nhanh chóng để được phân loại lại thành thị trường mới nổi nếu muốn thu hút thêm luồng vốn đầu tư từ các tổ chức đầu tư quốc tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – thị trường mới nổi”, ông Dũng nói.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc về nâng hạng thị trường chứng khoán, ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đã đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, yếu tố đầu tiên là cải thiện tính minh bạch và công bố thông tin.
Cụ thể là bảo đảm công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty niêm yết lớn để thu hút nhà đầu tư quốc tế cũng như minh bạch hóa các quy trình tài chính và quản trị công ty. Cần tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, như đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư.
Đặc biệt là mở rộng giờ giao dịch và cải thiện hệ thống thanh toán, bù trừ. Để làm được điều này cần phát triển hệ thống công nghệ thông tin hướng tới giao dịch hiện đại để bảo đảm an toàn và hiệu quả cũng như quản lý rủi ro.
Cần phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng, như tăng cường các sản phẩm tài chính. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường ngoại hối thông qua việc mở rộng và linh hoạt hóa thị trường phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế.
“Dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán lớn tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng và hỗ trợ giao dịch tự động.
AI giúp phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán thị trường. Trong khi chatbot hỗ trợ khách hàng với các vấn đề thường gặp và cung cấp thông tin nhanh chóng,” ông Trí chia sẻ.
Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp nhiều thách thức của khi nâng hạng thị trường.
Đó là quy mô vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam còn khá nhỏ bé, do đó số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí MSCI EM Index không nhiều. Theo rổ phân loại thị trường cận biên của MSCI, mặc dù tỷ trọng của Việt Nam là lớn nhất chiếm 26%, song trong top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong rổ này thì chỉ có 2 cổ phiếu của Việt Nam.
Thêm vào đó, độ mở của thị trường càng lớn thì biến động của các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các cổ phiếu niêm yết nói riêng. Sự cạnh tranh với các cơ hội đầu tư tại các thị trường khác cũng gia tăng.
“Nâng hạng thị trường cần sự chung tay của nhiều bên, không chỉ là của các bộ, ngành, mà còn từ các thành viên tham gia thị trường. Các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR); bảo đảm tính nhất quán về tần suất và hàm lượng của các thông tin được cung cấp cũng như dạng hóa các kênh tiếp cận đối với nhà đầu tư.
Trên thực tế, một số đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn cho rằng khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế và cần phải cải thiện”, bà Hiền khuyến nghị.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chung-khoan/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-doanh-nghiep-niem-yet-gap-nhieu-thach-thuc/20240702115050441