Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đưa ra những nhận diện khả năng có dòng vốn mới và cơ hội cạnh tranh trong khu vực nhằm đón dòng vốn mới, đặc biệt dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.
Các tập đoàn lớn thận trọng hơn trước các quyết định đầu tư
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4-2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với những rất nhiều khó khăn, thách thức từ suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát ở mức cao. Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam; cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%… nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại. “Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư, ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Mong chờ vào môi trường kinh doanh ổn định
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo suy giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch;… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ góc độ doanh nghiệp có đầu tư lớn tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: Hiện tại, hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm Made in Vietnam được sản xuất tại chính Việt Nam. Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới. Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện thành công này, điển hình như cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.
Về vấn đề tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, ông Choi Joo Ho đề cập đầu tiên tới vấn đề cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây.
Cùng quan điểm, ông Furusawa Yasuyuki, thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Vietnam cho biết, nhìn lại 11 năm qua, AEON đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất. Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. “Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và chúng tôi mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa hơn”- đại diện AEON nhấn mạnh.
VŨ DUNG