Mới đầu mùa hè nhưng các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khắp cả nước đã về dưới mực nước chết. Lưu lượng nước trên các sông suối cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Dự báo một mùa hè thiếu nước khốc liệt, kéo theo hàng loạt hệ lụy về môi sinh và dân sinh.
Đã nhiều năm qua, khi tình trạng phá rừng, trồng rừng bằng keo lá tràm, giới chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng diện tích rừng keo lá tràm ngày càng phình to lên, tỷ lệ nghịch với diện tích rừng tự nhiên ngày càng teo tóp lại.
Một thời gian dài, keo lá tràm được xem như “cây xóa đói giảm nghèo”, bỏ qua tai những lời cảnh báo của giới chuyên gia. Để rồi đến nay, dù mùa mưa hay mùa nắng, chính người dân phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp, thậm chí trả giá bởi mạng sống bởi phá rừng và trồng rừng keo lá tràm.
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 của Bộ NN-PTNT, diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10.171.757ha, rừng trồng chiếm 4.573.444ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.923.108ha, tỷ lệ che phủ là 42,02%.
Nếu lùi về 1 năm trước đó, diện tích rừng trồng và diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc năm 2021 tăng so với năm 2020 nhưng diện tích rừng tự nhiên năm 2021 lại giảm so với năm 2020, và hẳn nhiên, diện tích rừng trồng tăng lên so với năm 2020.
Qua đó để thấy rằng, dù Chính phủ tuyên bố “đóng cửa rừng” từ năm 2016 nhưng đến nay, diện tích rừng tự nhiên vẫn ngày càng thu hẹp; chất lượng rừng, khả năng giữ nước của rừng ngày càng giảm. Minh chứng cho rủi ro này là tình trạng lũ ống, lũ quét vào mùa mưa và cạn kiệt nguồn nước trên các sông suối vào mùa nắng ngày càng nghiêm trọng.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro do mưa lũ và khô hạn trong thời gian tới, Chính phủ nên có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, mang tính chiến lược để sớm thu hẹp diện tích rừng keo lá tràm, nhanh chóng trồng thay thế rừng cây gỗ lớn để nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng giữ nước cho rừng.
Việc giảm diện tích trồng cây keo lá tràm, trồng thay thế cây gỗ lớn trên diện tích rừng trồng không chỉ dừng lại ở việc “kêu gọi” mà phải được thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính, bằng luật pháp và được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch một cách khoa học từ quy mô, diện tích, chủng loại cho đến tránh thu hoạch đồng loạt để đảm bảo diện tích tối thiểu giữ nước, giữ đất.
Có thể nói, đây là thời điểm thích hợp để làm “cú hích” chuyển đổi cả “lượng” và “chất” đối với rừng ở Việt Nam, bởi vào năm 2025, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, tiến tới tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028 cũng như quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Đầu tháng 5 vừa qua, tập đoàn AstraZeneca công bố khoản đầu tư mới 50 triệu USD vào Việt Nam trong khuôn khổ chương trình toàn cầu mang tên AZ Forest. Như vậy, trong 5 năm tới, dự kiến 22,5 triệu cây xanh được trồng trên hơn 30.500ha đất để phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học và bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho hơn 17.000 hộ nông dân.
Việc tái trồng rừng được thiết kế nhằm tối đa hóa các lợi ích như: lợi ích cho đa dạng sinh học trên quy mô lớn; cải thiện thực phẩm và dinh dưỡng cho cộng đồng địa phương; bảo tồn đất và nước; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro của thiên tai; cô lập khí carbon.
Phục hồi rừng là việc làm cần kíp, làm càng sớm càng tốt.