Những năm gần đây, kinh tế – xã hội của huyện Sìn Hồ có sự khởi sắc, địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào được tiếp cận đầy đủ hơn thông tin truyền thông và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên (nấm rừng, rau dại, nấm mốc trên nông sản…) luôn hiện hữu.
Tại huyện Sìn Hồ, ngộ độc thực phẩm luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Bởi, một bộ phận người dân vẫn giữ nếp sống, sinh hoạt ăn uống có sử dụng thực phẩm nguồn gốc từ tự nhiên, dễ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại hộ gia đình do sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Rất may, đã được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Quyền – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Tình trạng ngộ độc thực phẩm tại địa phương diễn biến phức tạp, cần sự chủ động vào cuộc từ các cấp chính quyền. Trung tâm đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân nguy cơ ngộ độc thực phẩm tự nhiên cũng như sử dụng các thực phẩm công nghiệp không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện, xã thường xuyên giám sát và xử lý nguy cơ thường trực dẫn đến ngộ độc thực phẩm”.
Được biết, để nâng cao nhận thức và hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, Trung tâm Y tế huyện trực tiếp và phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông tại xã, bản về kiến thức đảm bảo VSATTP. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc phối hợp với trạm y tế cơ sở kiểm tra, giám sát, đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra tại cơ sở kinh doanh ở xã Lùng Thàng.
Từng bị ngộ độc thực phẩm vào tháng 3/2021 nhưng đến giờ ông Lù A Vàng ở bản Háng Lìa 1 (xã Tà Ngảo) vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn đến kinh hoàng. Ông Vàng chia sẻ: “Trong thời điểm thập tử nhất sinh, tôi nhận thấy hậu quả nghiêm trọng từ việc sử dụng đồ ăn không rõ nguồn gốc. Mặc dù đã tuyên truyền, vận động bà con từ chính sự việc bản thân gặp phải nhưng thấy mình vẫn rất cần được trang bị thêm những kiến thức cần thiết để bảo vệ tốt hơn sức khỏe bản thân và gia đình”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 450 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Trong đó bao gồm các bếp ăn tập thể tại trường học, trung tâm y tế, cơ sở ăn uống, khách sạn và 3 chợ truyền thống. Ngoài ra, còn khoảng 20 điểm kinh doanh thực phẩm đường phố nhỏ, lẻ. Hầu hết các cơ sở hoạt động theo phương thức sản xuất thủ công, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện Sìn Hồ tiến hành 192 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện 40 cơ sở vi phạm; 24 cơ sở vi phạm phải tiêu hủy sản phẩm; số hàng tiêu hủy trị giá 6,3 triệu đồng… Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, bản, tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn, nhất là thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên.
Nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ sức khỏe, đảm bảo VSATTP của người dân là chìa khóa then chốt giảm thiểu nguy cơ ngộ độc. Do vậy, thời gian tới, huyện Sìn Hồ tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của huyện vùng cao Sìn Hồ.