Tiến hành 14 cuộc thanh tra thì có 13 cuộc thanh tra tạp chí
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin, nghiên cứu, đề xuất, ban hành các giải pháp để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng định hướng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên trao đổi với cơ quan chủ quản tạp chí; lưu ý, nhắc nhở lãnh đạo các cơ quan tạp chí về việc thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ quản, của lãnh đạo tạp chí trong việc chấn chỉnh, quản lý hoạt động của tạp chí, hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người làm báo, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Tuy nhiên, theo đồng chí Tống Văn Thanh, trong thời gian qua, tình trạng phóng viên, người làm báo các cơ quan tạp chí – chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp… vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bị xử lý hình sự vì các tội lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, giả mạo công tác.
“Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tạp chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo có xu hướng gia tăng, trong đó có một phần nguyên nhân từ sự buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản. Xuất hiện hiện tượng mâu thuẫn, tố cáo, khiếu nại giữa cơ quan chủ quản với cơ quan tạp chí”, đồng chí Tống Văn Thanh đánh giá.
Theo đồng chí Tống Văn Thanh, một số cơ quan chủ quản không đầu tư nguồn lực, bảo đảm các điều kiện cần thiết trong hoạt động cho tạp chí như đề án đề nghị cấp phép thành lập. Có hiện tượng cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của tạp chí, thậm chí có hiện tượng cơ quan chủ quản cấp giấy giới thiệu, cử phóng viên, cán bộ đi tác nghiệp, viết, đăng tải bài viết không đúng chức năng nhiệm vụ.
Ông Ngô Huy Toàn – Trưởng phòng thông tin báo chí, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, trong năm 2023, Bộ TT&TT tiến hành 14 cuộc thanh tra thì có 13 cuộc thanh tra tạp chí. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và các buổi làm việc nổi cộm là sai phạm về tôn chỉ mục đích, tiếp theo là hoạt động không đúng với nội dung giấy phép – thiết lập chuyên trang không có giấy phép, không đúng mục đích đã xin phép.
Theo ông Ngô Huy Toàn, trong năm qua các cơ quan chức năng từ trung ương đến điạ phương đã xử phạt 42 đơn vị khoảng 1,9 tỷ đồng, trong đó 3 Tổng biên tập bị xử phạt vì cử nhà báo, phóng viên đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích.
Vai trò của cơ quan chủ quản tới đây sẽ rất nặng
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên là trong thời gian qua, báo chí nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn cả về nhân lực lẫn tài lực, trong khối tạp chí lại khó khăn hơn nhiều.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chỉ đạo là Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan quản lý là Bộ TT&TT đã thường xuyên nhắc nhở, có nhiều biện pháp xử lý một cách khá đầy đủ, tuy nhiên chưa giải quyết được triệt để. “Ở đây, vai trò của cơ quan chủ quản trong việc hạn chế, ngăn chặn các sai phạm của các cơ quan báo chí của mình là quan trọng nhất, trong việc các cơ quan báo chí vi phạm trước hết là trách nhiệm của cơ quan chủ quản”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khi thành lập cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cần tạo đủ nguồn lực để làm việc và phát triển, có nhiều đơn vị thành lập không có trụ sở, không có ngân sách, tổng biên tập không đủ trình độ và đạo đức nghề nghiệp, thậm chí có những cơ quan chủ quản còn đòi hỏi cơ quan báo chí tạo nguồn thu cho mình, coi cơ quan báo chí là công cụ tạo nguồn thu.
Nhấn mạnh về những giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đang phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiến hành bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, vai trò cơ quan chủ quản tới đây sẽ rất nặng, quy định 101 có sợi dây nối liền từ phóng viên đến cơ quan báo chí rồi đến cơ quan chủ quản.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các tạp chí về việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các tạp chí khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm.
Đối với các cơ quan chủ quản, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, kế hoạch hoạt động; thường xuyên tiến hành kiểm điểm đánh giá việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cơ quan tạp chí trực thuộc.
Xây dựng, phê duyệt quy chế hoạt động của cơ quan tạp chí trực theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế này. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản với trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tạp chí theo quy định Đảng, Nhà nước.
Đối với lãnh đạo các cơ quan tạp chí, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, cần tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí không chỉ với tư cách là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản mà còn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí xây dựng, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và hiệu quả.
Hoàng Anh – Sơn Hải