Ngày 10/7, Báo Tuổi Trẻ cùng với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tổ chức tọa đàm và giao lưu trực tuyến “Tiêm chủng vaccine an toàn – Nâng cao nhận thức cộng đồng’.
Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng vaccine an toàn, trả lời những câu hỏi tiêm vaccine có làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ; việc khám trước và theo dõi sau tiêm chủng sẽ thực hiện ra sao; tại sao trẻ cần tiêm chủng đủ liều, đúng lịch…
Quang cảnh buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến. (Ảnh: Lê An) |
Chương trình có sự tham gia của các khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêm chủng, y tế dự phòng giải đáp.
Mở đầu tọa đàm, ông Võ Hùng Thuật – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ truyền thông, báo Tuổi Trẻ cho rằng người được tiêm chủng đầy đủ sẽ tự tin hơn trong tiếp xúc với cộng đồng, có nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, không vì vai trò quan trọng của tiêm chủng mà không chú ý đến an toàn tiêm chủng. Ngược lại, càng phải chú ý hơn đến yếu tố an toàn, thông qua việc bảo quản, chất lượng tiêm chủng…
Theo PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, người dân không xa lạ với vaccine và tiêm chủng. Từ năm 1981, chương trình tiêm chủng mở rộng được mở ra, mang đến nhiều cơ hội chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, là một phần quan trọng của chăm sóc cơ bản, để người lớn, trẻ em chống lại bệnh tật.
Ông Lê Việt Dũng tin rằng, sự kiện với sự tham gia của nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực y tế sẽ đem đến nhiều kiến thức xung quanh an toàn tiêm chủng.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định vaccine là chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch chủ động đối với một số bệnh truyền nhiễm cụ thể. Tuy nhiên, để vaccine phát huy tối đa hiệu quả chúng ta cần bảo đảm được quy trình tiêm chủng đúng và an toàn.
Bà Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, chưa bao giờ số lượng tiêm vaccine lại tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã có hơn 8 triệu người tiêm phòng ngừa Covid-19.
Bà Huyền nhấn mạnh: “Để bảo đảm được an toàn tiêm chủng, tất cả các nhân viên y tế phải được đào tạo về tiêm chủng. Cần có sự phối hợp của cha mẹ trong việc khai báo đầy đủ những mũi tiêm của con mình, theo dõi phản ứng sau tiêm của con”.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, quy trình tiêm chủng an toàn bao gồm 7 bước: phân loại khách hàng, ngồi chờ khám sàng lọc theo dõi bằng màn hình ngoài phòng khám, khám sàng lọc, nộp tiền tại quầy thu ngân, hướng dẫn khách hàng đến phòng tiêm chủng, được tiêm chủng và theo dõi tại chỗ 30 phút.
Bác sĩ Chính nói: “Sau khi khách ra về, chúng tôi vẫn giữ liên lạc để theo dõi phản ứng, trong cuốn sổ tiêm chủng cũng có đường dây nóng để khách gọi lại trường hợp cần theo dõi. Chúng tôi cũng có đội bác sĩ để xử trí vấn đề này”.
Để bảo đảm an toàn vaccine đến các cơ sở y tế trên các địa bàn thì khâu vận chuyển cần được kiểm soát nghiêm ngặt và chặt chẽ.
TS. Lưu Thị Dung, Phó Trưởng khoa Quản lý hệ thống chất lượng, Viện kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cho biết, có hai loại vaccine là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Trong đó, để có được các loại vaccine lưu hành thì ngay từ khâu sản xuất đã được kiểm soát nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ.
Đối với các loại vaccine nhập khẩu sẽ được cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành. Khi vaccine về đến Việt Nam sẽ được rà soát toàn bộ. Những loại vaccine bị hỏng sẽ được loại bỏ. Đối với vaccine tự sản xuất cũng sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt trước khi sử dụng.
Bà Ngô Thị Tuyết Sương, Giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho hay, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã trang bị dây chuyền lạnh bảo quản vaccine ở ba miền, mỗi miền có một kho bảo quản, mỗi trung tâm tiêm chủng đều có tủ lạnh bảo quản riêng, tại kho đông lạnh, công tác bảo quản rất nghiêm ngặt từ 2-8 độ C.
Ngày nay, tỉ lệ người dân quan tâm đến tiêm chủng đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, hàng năm cả nước thực hiện bình quân khoảng 40 triệu mũi tiêm vaccine cho trẻ em, người già, phụ nữ có thai… Vậy làm sao để cho người dân biết được đó là vaccine an toàn, đúng thời điểm
Ông Phạm Quang Thái – Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, cần chú ý đến câu chuyện truyền thông của người làm y tế. Mỗi điểm tiêm không chỉ là nơi đón tiếp con người mà nó còn là một hoạt động truyền thông.
Ông chia sẻ: “Chỉ cần chúng ta sao nhãng là sẽ thấy vaccine hết hạn, tiêm nhầm đường tiêm… Việc bảo đảm an toàn tiêm chủng là chúng ta bảo vệ chính chúng ta và bảo vệ mỗi người được tiêm chủng”.
Cũng theo ông Thái, để bảo đảm được an toàn tiêm chủng thì nhân viên y tế cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình sử dụng vật liệu vaccine đúng – an toàn – đúng liều lượng. Đặc biệt, đối với người tiêm chủng cần được theo dõi, báo cáo rõ ràng các phản ứng sau tiêm. Đó là điều cực kỳ quan trọng và cần được theo dõi sát sao.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Lê An) |
Kết thúc tọa đàm, ông Võ Hùng Thuật khẳng định an toàn tiêm chủng có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo động lực cho người dân tham gia tiêm chủng và từ đó góp phần vào việc xây dựng cộng đồng khỏe mạnh.
Có thể nói, toàn bộ việc tiêm chủng an toàn không chỉ liên quan trực tiếp đến người tiêm, các cơ sở tiêm mà còn là điều tiên quyết để duy trì và tồn tại của hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Tiêm ngừa-Chuyện chưa kể Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết “Tiêm ngừa-Chuyện chưa kể”. Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ban tổ chức cho biết, cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải. Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa. Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề “tiêm chủng” và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân. Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh. Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email và số điện thoại liên lạc; hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu. Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: từ ngày 10/6 đến 30/7/2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30/7/2023 sẽ không được xem xét. Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội. Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải Nhì trị giá 5 triệu đồng/giải; 20 giải Ba và 100 giải Khuyến khích. |