Ngày 30/5, tại Huế đã diễn ra Hội thảo công bố Bộ tài liệu “Đào tạo về phòng, chống mua bán người và Bảo vệ nạn nhân” và kết thúc Dự án “Nâng cao năng lực trong đấu tranh phòng, chống mua bán người cho cán bộ tuyến đầu biên giới”.
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, chia sẻ niềm tự hào được hợp tác với Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam. (Nguồn: IOM) |
Hội thảo do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam phối hợp với Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm (PCMT&TP), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức.
Dự án “Nâng cao năng lực trong đấu tranh phòng, chống mua bán người cho cán bộ tuyến đầu Biên giới” do Cơ quan Phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.
Bộ đội biên phòng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Với trách nhiệm giám sát 4.639km đường biên giới trên đất liền và 3.444km đường bờ biển, bộ đội biên phòng là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Bộ đội biên phòng là lực lượng đầu tiên và đôi khi là lực lượng duy nhất, đại diện cho các cơ quan thực thi pháp luật tiếp xúc và trao đổi với nạn nhân bị mua bán.
Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng lực của bộ đội biên phòng, đặc biệt là các cán bộ tuyến đầu khu vực biên giới trong phát hiện, điều tra và xử lý các vụ án mua bán người, cũng như trong công tác xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Trong khuôn khổ của Dự án, Bộ tài liệu “Đào tạo về phòng, chống mua bán người và Bảo vệ nạn nhân” đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng và Bộ Quốc phòng phê duyệt để sử dụng cho hoạt động tập huấn dành cho cán bộ tuyến đầu.
Tài liệu đã được in ấn và chuyển đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và Học viện Biên phòng tại 12 tỉnh tham gia Dự án. Ngoài ra, Bộ tài liệu đã được sử dụng tại 12 khóa tập huấn đối với 436 cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyến đầu tại 12 tỉnh trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam.
Dự án cũng tổ chức một hội thảo để các cán bộ, chiến sĩ chia sẻ những phương pháp xử lý, kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả đã được áp dụng trong quá trình truy xét, điều tra và khởi tố vụ án mua bán người.
Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng lực của bộ đội biên phòng, đặc biệt là các cán bộ tuyến đầu khu vực biên giới trong phát hiện, điều tra và xử lý các vụ án mua bán người, cũng như trong công tác xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. (Nguồn: IOM) |
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho Dự án này ngay từ những ngày đầu và chia sẻ niềm tự hào được hợp tác với Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong tăng cường năng lực cho lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng tuyến đầu trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và xác định các nạn nhân bị mua bán trở về.
Bà Park Mihyung nhấn mạnh: “Về phía IOM, chúng tôi cũng có thể thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình, đó là hỗ trợ, tạo điều kiện cho dòng người di chuyển qua biên giới an toàn và trật tự, đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh biên giới và hỗ trợ cho lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện các công tác của mình”.
Theo Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, mua bán người là một vấn nạn toàn cầu, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả chặt chẽ. Dự án này là một phần quan trọng của IOM trong hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam không chỉ tăng cường quản lý biên giới mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình quốc gia về Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự mà Việt Nam cũng là một quốc gia thành viên tích cực.
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: IOM) |
IOM đã phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và Tội phạm thực hiện hoạt động đánh giá cuối khóa tập huấn tại 6 tỉnh trọng điểm gồm An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Kết quả đánh giá không chỉ giúp thu thập các thông tin về xu hướng và phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người và xuất nhập cảnh trái phép tại các địa bàn biên giới mà còn cho thấy những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục trong công tác điều tra vụ án và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Nhiều ý kiến và khuyến nghị hữu ích cũng được đề xuất nhằm đưa ra giải pháp cho những thách thức hiện tại, đồng thời giúp IOM và Cục Phòng, chống ma túy và Tội phạm xây dựng các hoạt động can thiệp phù hợp trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: IOM) |