(BGĐT) – Chiều 24/6, tại Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức diễn đàn chuyển đổi số (CĐS) trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”.
Đồng chí Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn. |
Tới dự có đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn; đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Về phía tỉnh Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành.
Phát biểu tại đây, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh: Đến nay, Bắc Giang đã có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng; kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, tỉnh cũng đạt kết quả nổi bật trong lĩnh vực CĐS.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu. |
Diễn đàn được tổ chức sẽ tập trung vào các giải pháp ứng dụng CĐS trong xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang, góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP của tỉnh trong giai đoạn tới.
Đây là cơ hội để các đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia CĐS trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP cũng như được chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này.
Đồng thời là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp và khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ. Diễn đàn cần thiết ở giai đoạn hiện nay, khi tỉnh Bắc Giang đang chú trọng xây dựng nền kinh tế số trong xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương để phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về CĐS.
Đồng chí Ngô Văn Cương cho rằng, cùng với những thế mạnh về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn trong thời gian tới lực lượng lao động trẻ tiên phong là đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh sẽ khai thác tối đa tiềm năng kinh tế số để xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP. Diễn đàn lần này giúp các chủ thể, doanh nghiệp, người dân tiếp cận các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trên các nền tảng số, định hướng tư duy và khai thác tiềm năng kinh tế số để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.
Đoàn viên thanh niên chia sẻ băn khoăn trong kinh doanh thương mại điện tử. |
Tại đây, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. Thông qua những chia sẻ của các nhà bán hàng thành công trên nền tảng số ở các vùng miền trong cả nước về công thức xây kênh bán hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Qua đó khẳng định hiệu quả cao từ kinh doanh thương mại điện tử, nhất là hình thức livestream có khả năng mang về cho người bán hàng hàng triệu lượt tương tác với tỷ lệ chốt đơn cao. Đây được coi giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” của nông sản.
Đặc biệt, các đoàn viên thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp trẻ nhỏ và vừa, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh, các chủ thể OCOP là thanh niên tỉnh Bắc Giang được gợi ý cách thức để xây dựng kênh bán các sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có vải thiều, loại quả đạt chứng nhận 5 sao. Để thực hiện thành công, cần xác định được lợi thế của địa phương, mục tiêu thiết lập kênh bán hàng và đối tượng người xem, chọn sản phẩm, tạo câu chuyện để quảng bá, giới thiệu.
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn. |
Các diễn giả đến từ các đơn vị cơ quan nhà nước, đại diện nền tảng thương mại điện tử, nhà bán hàng trên TikTok và toàn quốc đã chia sẻ về khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, đơn vị đang thực hiện một số hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh Bắc Giang tới bạn bè trong nước và nước ngoài qua kênh “BắcGiangĐaSắc”. Đồng thời tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xây dựng kênh bán các sản phẩm OCOP của Bắc Giang. Trong đó việc tổ chức livestream bán các đặc sản: Mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn đã được khởi động và bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Trả lời cho băn khoăn về đặc thù của các mặt hàng nông sản là nặng, phí vận chuyển sẽ cao, nếu khách hàng hoàn hàng thì khả năng sản phẩm sẽ hỏng và khó bán, đại diện Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết đã chuẩn bị điều kiện hạ tầng để phục vụ vận chuyển các mặt hàng này. Đó là cùng nhà sản xuất đóng gói sản phẩm bằng thùng xốp, đá ướp lạnh, sử dụng xe chở hàng lạnh, kho lạnh ở nơi có lượng hàng lớn và sử dụng hình thức kết nối vận chuyển khác nhau, bảo đảm các đơn hàng nông sản ở phía Bắc sẽ đến tay khách hàng trong 24h.
Để khuyến khích thanh niên, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên nền tảng số, đại diện Sở Công Thương cho biết ngành sẽ hỗ trợ các đơn vị mở gian hàng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi; phối hợp với các doanh nghiệp, ngành chức năng trong và ngoài tỉnh hỗ trợ vận chuyển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc. Cùng đó hỗ trợ về thủ tục hải quan, hợp đồng kinh tế quốc tế; bảo vệ thương hiệu…
Tin, ảnh: Lệ Thanh
chuyển đổi số, Tỉnh đoàn, Bắc Giang, thanh niên, thương mại, TikTok Việt Nam