Khánh Hòa: Kết nối cung cầu, quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Nông sản nhiều địa phương sẽ hội ngộ tại Thủ đô |
Dư địa thị trường còn nhiều
Khu vực Trung Đông – Bắc Phi là thị trường giàu tiềm năng với dân số gần 500 triệu người có nhu cầu và mức chi tiêu cao với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu mà doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh như: Các loại thủy sản, gạo, chè, tiêu, hồi, quế, điều, rau củ quả, hoa quả và thực phẩm chế biến. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để phát triển nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đây là thị trường còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, công tác quảng bá nông sản của Việt Nam hiện nay tại khu vực còn gặp nhiều khó khăn bao gồm sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật và tập quán kinh doanh; mạng lưới thương mại, phân phối của Việt Nam tại khu vực còn hạn chế; chi phí logistics còn cao…
Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông tăng 4%, sang Bắc Phi tăng 9,4%. Nông lâm thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này; trong đó, xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt hơn 116 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; thủy sản sang Arab Saudi tăng 36,4%; hạt điều sang UAE tăng 59,9%; Ai Cập tăng 58,7%; chè sang Iraq tăng 48,7%; gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 3 lần.
Hạt điều là một trong những nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – Ảnh minh họa |
Thông tin tại Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi”, ông Bùi Hà Nam – Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao) cho biết, nền kinh tế thế giới trong năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thị trường các nước Trung Đông – Bắc Phi nổi lên là điểm sáng trong bức tranh giao thương của Việt Nam với thế giới.
Doanh nghiệp khó xuất khẩu sang thị trường này bởi Algeria hạn chế nhập khẩu, do đó thuế nhập khẩu rất cao. Thông tin thêm về vấn đề này, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Trần Quốc Khánh cho rằng, muốn xuất khẩu sang Algeria thì doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy xuất khẩu sang tư duy hợp tác.
Ông Khánh lí giải, khi sản phẩm xuất khẩu đã chế biến vào thị trường này thì khó cạnh tranh với hàng hóa châu Âu do chi phí vận chuyển xa. Doanh nghiệp nên xem xét sản xuất chế biến tại chỗ, tận dụng thế mạnh của thị trường nước bạn khi Algeria có giá điện cạnh tranh, có đất đai, được Chính phủ Algeria hỗ trợ, đồng thời, phòng tránh rào cản về kỹ thuật Halal. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hàng năm tại Algeria có các triển lãm quốc tế, doanh nghiệp các quốc gia châu Phi hay một số quốc gia châu Âu như Pháp, Italy… cũng tham gia, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam lại gần như không quan tâm.
Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường
Bà Hoàng Thị Bích Diệp – Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang thiếu thông tin thị trường đối tác, quy định pháp luật cũng như tập quán của các nước sở tại, từ đó dẫn tới tâm lý e ngại. Cùng với đó, mạng lưới logistics trong khu vực còn hạn chế cũng khiến doanh nghiệp không lựa chọn xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, trong vấn đề chứng chỉ Halal, mức độ đáp ứng đúng chứng chỉ vào thị trường này còn hạn chế. Theo đó, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh này cần phải có tổ công tác phản ứng nhanh và phát triển thị trường, với mục đích đưa ra những thông tin dự báo thị trường thường xuyên và sớm hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp trong nước thúc đẩy liên kết sản xuất, hạ giá thành, sản xuất theo các yêu cầu và tạo chuỗi đồng bộ từ sản xuất đến hậu cần cho xuất khẩu.
Đồng thời, theo bà Diệp, cũng cần tạo ra kênh thông tin thị trường thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức trong nước và kiều bào xây dựng mạng lưới cộng tác viên. Hỗ trợ mạng lưới hậu cần cho xuất khẩu
Để thúc đẩy quảng bá hàng nông sản, các chuyên gia nhận định, một là, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế nhằm quảng bá nông sản tại khu vực. Các hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khai thác tốt, hiệu quả tiềm năng, phù hợp với khả năng của địa phương và doanh nghiệp.
Hai là, tận dụng các nguồn lực, hệ thống có sẵn tại chỗ như các cơ quan đại diện, các cơ quan thương vụ của Việt Nam, các hệ thống siêu thị và nhà hàng tại khu vực nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản một cách trực quan nhất tới người tiêu dùng; kết hợp giữa hoạt động quảng bá trực tiếp với các hoạt động quảng bá trực tuyến, kết hợp tham gia các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới và khu vực.
Ba là, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản mà còn trong các lĩnh vực liên quan như vận tải, logistics nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và logistics cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam trong việc xác định sản phẩm ưu tiên để quảng bá, cách thức tổ chức mô hình trưng bày; chủ động cung cấp hàng mẫu, tài liệu thông tin giới thiệu sản phẩm phù hợp một cách thường xuyên, lâu dài.