Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Đây là ngành có tỷ lệ 95% sản lượng là hàng hóa xuất khẩu cho nên cần tập trung đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng này.
95% sản lượng là hàng hóa xuất khẩu
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Trong đó, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Xuất khẩu quế cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.
Theo bà Hoàng Thị Liên, thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Hạt tiêu là mặt hàng chủ lực trong ngành gia vị Việt Nam. Năm 2024, dự kiến, xuất khẩu hạt tiêu có thể đạt giá trị 1 tỉ USD. Ảnh minh họa |
Theo số liệu của VPSA, trong tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tháng 7/2024 đạt 129,9 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 112,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 17,7 triệu USD. So với tháng 6 lượng xuất khẩu giảm 22,7%, kim ngạch giảm 7,9% và so cùng kỳ tháng 7 năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 43,7%, kim ngạch tăng 128,9%.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 164.357 tấn, trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 652,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,2 triệu USD.
Trong nhóm gia vị, quế là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn thứ hai sau hồ tiêu và trên thị trường thế giới, Việt Nam cũng đứng đầu về sản lượng. Trong 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 45.000 tấn quế, tổng kim ngạch đạt 127 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,9% tuy nhiên kim ngạch giảm 1,8%. Các thị trường xuất khẩu chính là Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh…
Với cây hồi, bà Liên cho hay, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc), với diện tích 55.000 ha, sản lượng hoa hồi đạt 22.000 tấn năm 2023. Hoa hồi là loài cây có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ…
Trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu được 1.662 tấn hoa hồi, kim ngạch đạt 7,8 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu tăng 7,4%. Thị trường xuất khẩu hoa hồi chủ yếu là Ấn Độ đạt 1.062 tấn, chiếm 63,9%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 8.685 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 5,1% tuy nhiên kim ngạch lại giảm 17,1%.
Ngoài tiêu, quế, hồi, Việt Nam còn có nhiều loại cây gia vị khác cũng đang có cơ hội phát triển. Cả nước có khoảng 68.100 ha trồng ớt, sản lượng ớt khô hàng năm khoảng 100.000 tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 7/2024, cả nước xuất khẩu được 697 tấn ớt, kim ngạch đạt 1,6 triệu USD. So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 14,5%.
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cung ứng các sản phẩm gia vị với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: TTXVN |
Tính chung 7 tháng qua, tổng lượng ớt xuất khẩu của cả nước đạt 8.023 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường châu Á tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với 7.727 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2023; thị trường châu Mỹ đạt 143 tấn, tăng 123,4%; thị trường châu Âu đạt 80 tấn và châu Phi là 73 tấn.
Với gừng và nghệ, theo số liệu của VPA cũng cho thấy xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác trong 6 tháng đầu năm đạt 17.280 tấn với kim ngạch đạt 33 triệu USD, giảm 33,6% về lượng nhưng tăng 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ Việt Nam bao gồm Ấn Độ đạt 6.635 tấn, chiếm 38,4%, Bangladesh đạt 3.561 tấn, chiếm 20,6%, Indonesia đạt 1.396 tấn, chiếm 8,1%.
Hiện nay, nước ta đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu.
Cần tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng gia vị
Cùng với sự phát triển của rau gia vị thì ngành hàng hồ tiêu cũng đang có cơ hội gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu khi nhu cầu mặt hàng này trên toàn cầu tăng cao. Các doanh nghiệp kỳ vọng hồ tiêu sẽ quay lại trở thành mặt hàng tỷ đô. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra bài toán nâng cao chất lượng, chú trọng sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các thị trường xuất khẩu chính của gia vị Việt Nam bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc.
Là một nước có lợi thế phát triển các loại cây gia vị nhưng ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH phát triển và tư vấn môi trường Dace, cho biết: Hiện nay, các loại gia vị của Việt Nam xuất sang nhiều thị trường tạo cơ hội cho mở rộng đầu ra nhưng đi liền với đó sẽ là những khó khăn. Cụ thể là mỗi thị trường sẽ có những quy định, tiêu chuẩn riêng về nông sản nên đơn vị sản xuất tại Việt Nam phải thích ứng mới có thể xuất khẩu được vào nhiều thị trường.
Bên cạnh đó, qua quá trình xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu cho thấy, các đối tác ngoài nhập khẩu nông sản gia vị tươi, sơ chế còn yêu cầu và có nhu cầu lớn cho các sản phẩm tăng chế biến, pha trộn, gia vị hữu cơ để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong ẩm thực, phục vụ người theo đạo hồi…
Ông Thái Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Simexco Đắk Lắk cho biết: “Liên kết trực tiếp, hướng dẫn nông dân phải thực hiện thi hành trên khâu trồng, sản xuất để những sản phẩm của chúng ta là sản phẩm sạch, rồi chúng tôi có nhà máy sơ chế, chế biến, tiệt trùng đảm bảo được các tiêu chuẩn của các đơn vị giám định họ cấp và đủ tiêu chuẩn xuất đi các thị trường khó tính”.
Mỗi ngày nhà máy có thể sản xuất 30 – 40 tấn tiêu thành phẩm, mỗi năm có thể xuất bán 7.000 – 10.000 tấn tiêu sang Mỹ, EU, Trung Đông và nhiều nước khác. Quy trình sơ chế, chế biến nghiêm ngặt, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, nhà máy phải kiểm duyệt chất lượng đảm bảo về độ sạch, không được phép tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Việc liên kết với nông dân sản xuất xanh, cùng với đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đơn vị nhập khẩu đang giúp nâng cao giá trị xuất khẩu cho mặt hàng hồ tiêu nói riêng, ngành hàng gia vị Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sản xuất theo hướng bền vững để phục vụ xuất khẩu sang các nước, trong đó có EU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Hiệp hội Hồ tiêu, đặc biệt là các doanh nghiệp phải vào cuộc để tuân thủ các quy định mới của EU”.
Việt Nam có đến trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Tuy nhiên, loại gia vị này vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư biến sâu theo nhu cầu của các thị trường để gia tăng hơn nữa giá trị xuất khẩu cho hồ tiêu nói riêng, ngành hàng gia vị nói chung.
Lãnh đạo VPSA cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam. Đối với ngành quế, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, tình trạng tồn dư hóa chất trong thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra…
Nguồn: https://congthuong.vn/nang-cao-gia-tri-gia-tang-cho-san-pham-gia-vi-viet-nam-338483.html