Chứng minh vị thế sản phẩm công nghiệp chủ lực

Việt NamViệt Nam18/02/2025


Ngành công nghiệp Thanh Hóa hiện có 19 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đây chính là những động lực quan trọng thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng trên 15% trở lên kể từ năm 2021 đến nay, thuộc tốp đầu của cả nước.

Chứng minh vị thế sản phẩm công nghiệp chủ lựcNhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với nhiều sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp Thanh Hóa như xăng, dầu, khí hóa lỏng...

Kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đi vào vận hành thương mại vào tháng 8/2022, đã đưa năng lực sản xuất điện của Thanh Hóa tăng lên đáng kể. Với công suất thiết kế 1.200MW và vận hành tin cậy kể từ khi đi vào hoạt động, nhà máy đã cung ứng khoảng 8,5 tỷ kWh điện mỗi năm lên lưới quốc gia, đóng góp khoảng 3% sản lượng điện của Việt Nam. Theo tổng hợp của Sở Công Thương, năm 2024, sản lượng điện sản xuất của 19 nhà máy điện đang vận hành đã đạt tới gần 13 tỷ kWh điện và tiếp tục tăng 18,8% so với cùng kỳ. Công nghiệp sản xuất điện Thanh Hóa hiện đã chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện của khu vực miền Trung.

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, 5 nhà máy sản xuất với công suất 26 triệu tấn xi măng đang góp phần quan trọng phục vụ xây dựng các công trình trên cả nước và xuất khẩu. Trước nhiều thách thức về thị phần tiêu thụ do mất cân đối cung cầu, nhưng các doanh nghiệp (DN) xi măng trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, cạnh tranh giá thành để giữ vững hoạt động sản xuất.

Tại Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, xác định chất lượng sản phẩm tạo giá trị cốt lõi của thương hiệu, DN luôn đề cao nhiệm vụ tối ưu hóa từng công đoạn, nhất là chú trọng phối nguyên liệu; đồng thời, tìm các giải pháp duy trì thiết bị hoạt động ổn định, khắc phục các sự cố kỹ thuật để ổn định khâu sản xuất. Phòng thí nghiệm của công ty cũng được đầu tư những trang thiết bị mới để đáp ứng nhiệm vụ phân tích, thử nghiệm, ứng dụng sản xuất hiệu quả.

Ông Nguyễn Trí Thức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, cho biết: "Bên cạnh giữ vững các dòng sản phẩm xi măng bao truyền thống, công ty đã và đang đẩy mạnh phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, điển hình như xi măng rời để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các công trình xây dựng. Cùng với đó, DN tiếp tục triển khai trang bị, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và đã xuất khẩu thành công xi măng Bỉm Sơn tới thị trường Philipines, Nam Mỹ, EU...”.

Với ngành giày da, may mặc, đây là các ngành hiện có đóng góp chủ đạo cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Lợi thế về nguồn nhân lực “vàng”, Thanh Hóa đã huy động được nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Đến nay, toàn tỉnh đang có khoảng 300 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động; 27 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 133.000 người. Năm 2024, ngành may mặc đã sản xuất hơn 752 triệu sản phẩm, vượt kế hoạch tới 42% và tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Các DN trong lĩnh vực giày da cũng sản xuất hơn 327 triệu đôi giày, tăng 42,3% so với kế hoạch và 27% so với cùng kỳ, được xếp vào tốp đầu của cả nước.

Bước sang năm 2025, tín hiệu tăng trưởng tốt thị trường hàng hóa may, mặc, giày da, nhất là tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản... đang là cơ hội để các DN đón nhiều đơn hàng. Nhiều DN trong tỉnh hiện đã có đơn hàng đến hết quý II, quý III/2025. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nguồn khách hàng năm 2025 được đánh giá rất dồi dào, với đơn giá tăng lên so với 2024 sẽ tạo điều kiện cho DN không chỉ có sản lượng cao mà lợi nhuận sẽ tốt hơn. Các DN đều hy vọng và đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 20% trở lên”.

Cùng với các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống, nhiều sản phẩm mới có giá trị cao cũng đã xuất hiện, như các sản phẩm xăng, dầu, khí hóa lỏng, polypropylen, benzen, lưu huỳnh, thép cán... Đây còn là những sản phẩm có tốc độ và dư địa tăng trưởng tốt. Hiện nay, các sản phẩm hóa dầu đã chiếm tới khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2024, bước sang những tháng đầu năm, các ngành công nghiệp chủ lực, DN trọng điểm đang tiếp tục đón đầu tốt cơ hội để đẩy mạnh sản xuất. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều DN đã tổ chức tăng ca ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời đơn hàng đã ký kết. Gián đoạn trong thời gian nghỉ tết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 vẫn tăng 11,59% so với cùng kỳ, tín hiệu tích cực cho một năm tiếp tục thành công của ngành công nghiệp.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chung-minh-vi-the-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-240072.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available