Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Ngày 13/2/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Các địa phương phân công các ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng, có lộ trình, giải pháp lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác, cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai hiệu quả cao nhất, chú trọng, khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/2016 về phân công các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn và “điểm nóng” về an ninh chính trị. Các phòng, ban cấp huyện kết nghĩa với các thôn, làng để hỗ trợ xây dựng làng nông thôn mới. Đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo; kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ dân tộc thiểu số để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được thực hiện song song với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, lồng ghép với các dự án xây dựng công trình nước sạch, làm đường nông thôn, hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ vậy các vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được giải quyết.
Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Toàn tỉnh hiện có 121 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1.235/1.314 thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định; cảnh quan và môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Chính sách cụ thể, giải pháp linh hoạt
Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 4,21%. Hiện nay, số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê-tông hóa chiếm 99,43%; số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,7%.
75,43% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 50% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tất cả hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hiện có 97,8% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng…
Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nhận định, các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai, tạo niềm tin vững chắc cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai, huyện Kông Chro đã tập trung thực hiện tốt các chính sách, dự án, tín dụng hỗ trợ cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Huyện ưu tiên thực hiện chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn huyện Kông Chro giảm 1.406 hộ so với năm 2019; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1.307 hộ so với năm 2021. Tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện đạt hơn 5%.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trong 10 năm từ 2014-2024, tỉnh đã triển khai tín dụng chính sách đến tất cả các xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bình quân hằng năm tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên.
Tổng doanh số cho vay đến nay đạt 16.853 tỷ đồng, với 532.257 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 8.001 tỷ đồng (chiếm 47,5% tổng doanh số cho vay), với 254.322 hộ vay vốn.
Vốn vay các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, giúp hơn 55.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 15.357 học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho gần 54.000 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; xây dựng hơn 242.000 công trình nước sạch, hơn 3.000 căn nhà cho hộ nghèo…
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai vẫn cao hơn bình quân cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh cũng đang ở mức khá cao (9,7%) nên dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo.
Một trong những “điểm nghẽn” của công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai là ý thức vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào còn hạn chế.
Qua 10 năm triển khai, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Một số hộ dân chưa có ý thức tiết kiệm chi tiêu để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến để mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 0,8% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020); giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hơn 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, không còn huyện nghèo; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo, thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-doi-song-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-gia-lai-post825253.html