Đạo đức trong báo chí ngày càng trở nên quan trọng hơn khi xã hội đang đối mặt với sự lan truyền nhanh chóng của tin giả và thông tin sai lệch thông qua mạng xã hội. Trong bối cảnh này, người làm báo có trách nhiệm phải bảo đảm thông tin được cung cấp là đáng tin cậy và có giá trị.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội. |
Trong cơ chế thị trường, báo chí nước ta đã và đang đối mặt với một số hạn chế liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo. Họ có thể bị tác động bởi áp lực từ các lợi ích kinh tế, ảnh hưởng đến tính trung thực và khách quan của thông tin mà họ cung cấp.
Chúng ta hiểu rằng, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, sự cần thiết đưa tin nhanh tạo áp lực lên nhà báo. Một số tờ báo hoặc trang tin trực tuyến có thể sử dụng các tiêu đề hấp dẫn và nội dung gây tranh cãi để thu hút sự chú ý và tăng lượng truy cập. Điều này có thể dẫn đến việc tái hiện thông tin một cách thiếu chính xác hoặc thiếu nhất quán.
Do vậy, để xây dựng một nền báo chí đạo đức và lành mạnh, việc nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo là vô cùng quan trọng. Muốn đạt được điều đó, nhà báo cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không được lệch lạc và bị chi phối bởi áp lực, không “bóp méo” nội dung.
Đạo đức người làm báo đòi hỏi sự trung thực và minh bạch trong việc xử lý thông tin, tránh lăng mạ hoặc xuyên tạc sự thật. Các nhà báo cần bảo đảm thông tin mà họ cung cấp là chính xác, được kiểm chứng và không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, tôn trọng quyền riêng tư.
Nhà báo cần cung cấp thông tin đa chiều, bảo đảm các quan điểm khác nhau được phản ánh một cách công bằng. Họ nhất thiết phải kiểm chứng thông tin trước khi công bố, chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Đồng thời, người làm báo cần tránh phân biệt đối xử dựa trên giới tính, sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp… Họ cần xây dựng một quan hệ tín nhiệm và tương tác tích cực với công chúng, cần liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Một nền báo chí đạo đức sẽ giúp thúc đẩy sự minh bạch, công bằng và phúc lợi chung, đồng thời giúp kiểm soát quyền lực và ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực. Vì vậy, tầm quan trọng của đạo đức người làm báo phải được tôn trọng và đề cao trong xã hội ngày nay.
Để nâng cao bản lĩnh của người làm báo và giải quyết tình trạng thương mại hóa, câu khách và đưa tin giật gân của một số tờ báo ở nước ta, các tổ chức báo chí và cơ quan quản lý cần thúc đẩy việc tuân thủ và thực thi đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, đào tạo và hỗ trợ cho người làm báo nâng cao nhận thức và kiến thức về đạo đức khi tác nghiệp.