Theo dữ liệu vệ tinh sơ bộ từ cơ quan nghiên cứu vũ trụ INPE của Brazil, 226 km2 rừng nhiệt đới ở Amazon đã bị chặt phá vào tháng trước. Con số này thể hiện sự sụt giảm đáng kể so với kỷ lục 322 km2 rừng bị phá trong cùng kỳ năm ngoái tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh.
Dù số liệu vẫn cao hơn mức trung bình 9 năm là 173 km2 trong tháng, nhưng đây vẫn có thể xem như thành công bước đầu đáng ghi nhận của những nỗ lực của chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva trong việc ngăn chặn và hướng tới chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030.
Tuy nhiên, cuộc chiến bảo vệ rừng Amazon vẫn còn nhiều thách thức phía trước, bởi mối nguy đối với “lá phổi” lớn nhất hành tinh không chỉ đến từ những kẻ lâm tặc phá rừng, mà còn đến từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu của Đại học Santa Catarina, Brazil hồi tháng 2 năm nay cho thấy tới một nửa diện tích rừng nhiệt đới Amazon có thể đạt đỉnh điểm nguy cấp vào năm 2050 do căng thẳng về nước, giải phóng mặt bằng và biến đổi khí hậu.
Theo tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Bernardo Flores, trong 65 triệu năm, rừng Amazon đã chống chọi với sự biến đổi khí hậu, nhưng khu vực này hiện đang phải đối mặt với căng thẳng chưa từng có do hạn hán, nắng nóng, hỏa hoạn và giải phóng mặt bằng, đang xâm nhập vào cả những khu vực trung tâm sâu của quần xã.
Điều này đang làm thay đổi chức năng của rừng, khiến rừng ở nhiều khu vực tạo ra ít mưa hơn trước và biến bể chứa carbon thành nguồn phát thải carbon. Hệ quả là sẽ có tác động sâu sắc đến người dân địa phương và khu vực.
Amazon là nơi cư trú của hơn 10% đa dạng sinh học trên cạn của Trái đất, lưu trữ lượng khí thải CO2 toàn cầu trong 15-20 năm, đóng góp tới 50% lượng mưa trong khu vực và rất quan trọng trong việc cung cấp độ ẩm trên khắp Nam Mỹ, giúp làm mát và ổn định khí hậu thế giới.
Quang Anh (theo Reuters, Guardian)