Liên quan đến vụ em Vũ Tuấn K. bị bạn đánh hội đồng dẫn đến sang chấn tâm lý, ngày 28.11, ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, cho biết K. đã quay trở lại trường học được vài ngày.
Theo ông Dực, gia đình cho K. đi học vài tiết mỗi ngày để đầu óc em được thoải mái trong việc chữa bệnh, làm quen với các bạn mà không đặt mục tiêu là kết quả học tập. Nhà trường đồng ý với phương pháp này.
“Nền tảng thể lực của em K. vốn không được khỏe mạnh bình thường như các em khác. Thời gian này, em K. đến trường để hòa nhập trở lại, tạo không khí hòa đồng, thân thiện và cũng để cho các bạn có cơ hội sửa sai. Sáng nay, trong giờ chuẩn bị kết thúc tiết 4, tôi tình cờ đi xuống phòng đa năng thấy em đang chơi cầu lông cùng các bạn, chơi rất tập trung”, ông Dực nói.
Ông Dực đánh giá, K. quay lại trường là một tín hiệu vui. Trong lớp, K. vẫn ghi chép bài bình thường. “Chúng tôi hy vọng em K. dần ổn định về sức khoẻ, tinh thần”, ông Dực nói thêm.
Trước những khoản phí khổng lồ mà gia đình em K. lo lắng phải chi trả cho con, ông Dực khẳng định gia đình các nam sinh có hành vi đánh K. đã cam kết hỗ trợ em K. đi chữa trị, thuốc men, đi lại… đến khi nào ổn định.
Tiếng chuông cảnh tỉnh về bạo lực học đường
Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng trong vụ việc trên, phụ huynh của học sinh đã có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình thăm khám, điều trị đối với K.
Tất cả các cháu bé đều là nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Không chỉ có cháu bé bị đánh, bị tổn thương tâm lý là nạn nhân mà ngay chính các cháu thực hiện hành vi bạo lực đối với bạn của mình cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Theo ông Cường, các học sinh là nạn nhân của sự thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu trách nhiệm của thầy cô, của cơ sở giáo dục. Sự thiếu trách nhiệm dẫn đến các cháu hành động thiếu ý thức, xâm phạm đến sức khỏe của học sinh khác. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài việc xem xét trách nhiệm của phụ huynh, của cơ sở giáo dục và của các học sinh đã gây ra sự việc, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ nguyên nhân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tích cực.
“Các bậc phụ huynh cần rút ra bài học trong quản lý, bảo vệ con em mình. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường cần rút kinh nghiệm về vụ việc này. Cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và giáo viên quản lý lớp khi để xảy ra trường hợp bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng như vậy”, ông Cường nói thêm.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT H.Thạch Thất, trong kỳ nghỉ hè năm học 2022 – 2023 đến tháng 9 vừa qua, em K. bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và ngoài trường. Do sợ các bạn nên K. không báo với thầy cô và bố mẹ. Đến ngày 16.9, gia đình và nhà trường mới biết sự việc.
Giáo viên chủ nhiệm đã xác định được 6 học sinh đánh K., khiến nam sinh này bị sưng ở đầu và có vết bầm tím trên cơ thể. Ngày 20.9, Trường THCS Đại Đồng đã họp hội đồng kỷ luật, xử lý kỷ luật khiển trách với các học sinh đánh bạn. Học sinh và các gia đình của học sinh đánh bạn cũng đã nhận lỗi.
Ngày 21.9, K. có biểu hiện không bình thường về sức khỏe nên gia đình đưa em đến Bệnh viện đa khoa H.Phúc Thọ (Hà Nội) điều trị; ngày 22.9 được về nhà.
Ngày 25.9, K. đến trường học nhưng bị một bạn trong nhóm học sinh đã đánh em đe dọa, K. có biểu hiện hoảng loạn. Gia đình đã đưa K. đến Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) điều trị. Kết quả khám, chẩn đoán K. bị rối loạn phân ly.
Cuối tháng 10, Chủ tịch UBND H.Thạch Thất yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường THCS Đại Đồng và lãnh đạo UBND xã Đại Đồng trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn, nhà trường, học sinh khi để xảy ra sự việc K. bị bạo hành dẫn đến sang chấn tâm lý.