Khác với mọi năm phải ở lại nhà hát để biểu diễn, tết Nguyên đán năm nay, Cương đã viết đơn xin nghỉ phép trước 1 tháng để về sum họp cùng gia đình. 27 tết (ngày 6.2 dương lịch), nam diễn viên xiếc này đã có mặt tại nhà để cùng ba mẹ, em trai đón một cái tết ấm cúng.
“Năm rồi mình chẳng được về quê đón tết nên ba mẹ không vui, bữa cơm sum họp cũng thiếu đi phần trọn vẹn. Năm nay, được cùng mẹ vào bếp chuẩn bị mâm cỗ, nhận lì xì, đi chúc tết ông bà… mình cảm giác như đang sống trong những ngày tết khi còn thơ bé. Năm nay, mình lại bị hỏi khi nào cưới vợ, thấy ngại lắm nhưng mà vui”, Cương chia sẻ.
Thấy con trai được về nhà ăn tết, bà Phùng Thị Thanh Bình (45 tuổi, mẹ của Cương), sinh sống tại huyện Ba Vì, TP.Hà Nội, cho biết: “Cương xa nhà đi học từ bé nên bố mẹ ít có thời gian gần gũi, mỗi lần cháu về là cả gia đình rất mừng. Tết năm rồi, Cương không về được nên cả nhà buồn lắm nhưng cũng phải ráng động viên để cháu diễn tốt. Năm nay, cả nhà sum họp nên tôi vô cùng hạnh phúc”.
Trong một lần các giảng viên của Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, đến Trường TH Phú Sơn, H.Ba Vì, TP.Hà Nội, tìm kiếm những học sinh có năng khiếu để đào tạo kỹ năng xiếc thì Cương đã được lựa chọn. Cương cho biết 2 năm đầu học xiếc rất vất vả vì phải thường xuyên tập ép dẻo và rèn luyện thể lực với cường độ cao. Cương thường xuyên đối mặt với những cơn đau do chấn thương, khớp háng bị giãn vì phải ép dẻo…
Cương cho biết thời gian đầu từng cảm thấy chán nản muốn bỏ cuộc vì phải khổ luyện mỗi ngày khoảng 8 tiếng đồng hồ và rất nhớ nhà. Tuy nhiên, bằng ý chí, nỗ lực và sự giúp đỡ của thầy cô nên Cương đã vượt qua được 2 năm học kỹ năng cơ bản trong khi một số bạn bè cùng lứa đã bỏ cuộc để trở về nhà.
Từ năm thứ 3, Cương được các thầy cô trong trường xiếc cho rèn luyện chuyên sâu kỹ năng tung hứng. Thời gian đầu, Cương và các học viên khác đều gặp khó khăn khi không hiểu ý đồng đội trong lúc tập luyện dẫn đến vô tình ném gậy vào nhau.
Sau thời gian dài khổ luyện, năm 16 tuổi, Cương đã được biểu diễn tiết mục tung hứng tập thể đầu tiên tại nhà hát thể nghiệm của Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Lần đầu đứng ở nơi sáng nhất của khán phòng, nhận được tiếng vỗ tay, hò reo của khán giả khiến Cương nhận ra bản thân đã chọn đúng nghề.
“Diễn viên xiếc là nghề rất vất vả, chỉ vài phút tỏa sáng trên sân khấu nhưng chúng mình phải khổ luyện hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Chưa tính đến việc nếu không may gặp những chấn thương có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng. Chấn thương nặng nhất mà mình từng gặp là bị đứt cơ bắp tay phải mất 2 tuần điều trị mới hồi phục. Mình luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội”, Cương nói.
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng như bậc THPT, Cương đã vào TP.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để tham gia biểu diễn tại một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy có mức thu nhập tốt nhưng Cương lại không thỏa mãn được đam mê nên đã dừng công việc ở Phú Quốc để về TP.HCM xin tham gia biểu diễn tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam vào năm 2022.
“Tuổi trẻ rất ngắn ngủi nên phải “cháy” hết mình với đam mê. Sau khi vào TP.HCM, mình đã học thêm kỹ năng đu dây, tham gia tiết mục đạp xe tập thể… bên cạnh thế mạnh tung hứng. Mỗi ngày được tập luyện, trải nghiệm thêm những điều mới khiến mình rất hạnh phúc. Mình sẽ sống hết mình với nghề này đến khi sức khỏe không còn cho phép”, Cương chia sẻ.
Năm 2022, Cương tham gia vào tiết mục xe đạp tập thể mang tên “Hồn quê” và cùng đồng đội đoạt huy chương bạc Liên hoan xiếc quốc tế diễn ra tại TP.Hà Nội. Trong tương lai, Cương mong muốn có thể đạt được thành tích ở tiết mục tung hứng.