Để đảm bảo tính pháp lý cao hơn, ổn định, lâu dài cho thương mại điện tử, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử với 5 chính sách lớn.
Phương thức hoạt động thương mại đặc biệt
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại 2 văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85). Tuy nhiên, do hai văn bản này ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Để đảm bảo tính pháp lý cao hơn và ổn định hơn của các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị cần xây dựng Luật Thương mại điện tử thay vì duy trì các văn bản ở cấp nghị định vì luật có giá trị pháp lý cao hơn nghị định, là cơ sở để điều chỉnh các vấn đề quan trọng, mang tính nguyên tắc và toàn diện trong lĩnh vực thương mại điện tử.
“Nghị định phải được ban hành trên cơ sở một luật. Nếu không có luật gốc làm cơ sở, nghị định sẽ không đủ mạnh để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hơn nữa, thương mại điện tử là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên, cả trong nước lẫn nước ngoài, do vậy, cần phải có một khung pháp lý ổn định, lâu dài để điều chỉnh” - Bộ Công Thương khẳng định.
Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng cho hay, trên thế giới hiện có nhiều nước đã xây dựng Luật Thương mại điện tử, cụ thể: Malaysia, Campuchia, Philipines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc... “Nhìn chung, nhiều nước xây dựng Luật thương mại điện tử dựa trên những khái niệm và nguyên tắc của Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL, trong đó, về cơ bản các nước công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử nhằm tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử” - Bộ Công Thương thông tin.
Một số nước khác tuy không xây dựng Luật Thương mại điện tử nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, Uỷ ban châu Âu ban hành Chỉ thị về thương mại điện tử vào năm 2000 (Directive 2000/31/EC on electronic commerce) và gần đây là Đạo luật Kỹ thuật số (Digital Markets Act).
Indonesia ban hành Quy định số 80/2019 về thương mại điện tử (Reg 80/2019), Quy định số 31/2024 về cấp phép kinh doanh, quảng cáo, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp thương mại qua hệ thống điện tử (thay thế Quy định số 50/2020)...
Trên thế giới hiện có nhiều nước đã xây dựng Luật thương mại điện tử |
Mặt khác, một số nước xây dựng luật liên quan đến thương mại điện tử từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng với mục đích nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử từ đó thúc đẩy lĩnh vực này phát triển lành mạnh, bền vững.
Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng số (Act on the Protection of consumers who use digital platforms for shopping).
Hàn Quốc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (Act on the Consumer protection in electronic commerce). Ấn Độ ban hành Quy định về thương mại điện tử năm 2020 (Consumer Protection (E-commerce) Rules) theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019.
“Kinh nghiệm xây dựng khung khổ pháp luật về thương mại điện tử của đa số các quốc gia và khu vực cho thấy, quan điểm thống nhất của các bên trong việc không thể coi thương mại điện tử chỉ là một phương thức hoạt động thương mại mà cần phải đặt thương mại điện tử là một phương thức hoạt động thương mại đặc biệt, tiềm ẩn nhiều phức tạp, cần có văn bản pháp lý riêng biệt điều chỉnh các khía cạnh đặc thù của lĩnh vực này” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đồng thời Bộ khẳng định, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số.
Năm chính sách lớn
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định 5 chính sách lớn trong xây dựng Luật Thương mại điện tử:
Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành.
Thứ hai, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan. Đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.
Thứ ba, quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
Bởi việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại địện tử có thể dẫn đến tồn tại những rủi ro về an toàn thông tin và an ninh mạng, các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi và xử lý các hành vi vi phạm, làm giảm hiệu quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng
Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại, nhằm đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy và nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.
Thứ năm, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, các quy định tại Nghị định 52 và Nghị định 85 đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản về hoạt động và các mô hình hoạt động của thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các quy định hiện hành cần được điều chỉnh.
Quy định này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Trong bối cảnh hội nhập chung vào thương mại toàn cầu, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 2,97 tỷ USD, đến năm 2024 đã đạt tới giá trị 25 tỷ USD, tương đương mức tăng trung bình 26,7%/năm; chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm. Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức mua sắm phổ biến, đặc biệt tại những thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nam-chinh-sach-lon-trong-xay-dung-luat-thuong-mai-dien-tu-370517.html
Bình luận (0)