Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2023. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu khá khiêm tốn 10,5 tỷ USD cho năm 2025.
Tiếp tục mở cửa thị trường
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, đạt 106% kế hoạch, tăng 12,1% so với năm 2023.
Năm 2025, xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10,5 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản – đánh giá, trong năm vừa qua, việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, đã có điểm sáng trong xuất khẩu cá rô phi, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, lươn, ếch… cũng là những đối tượng tiềm năng để hướng đến trong tương lai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của ông Phạm Quang Toản – Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành hàng này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa đảm bảo; hệ thống cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiếu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, công tác duy tu, bão trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa chặt chẽ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2024 đã vượt mốc 10 tỷ USD, đây là thành công của toàn ngành. Tuy nhiên, trong năm 2025, cần giám sát chặt chẽ hơn về vấn đề dư lượng kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Về thị trường, ông Hòa cho hay, trong năm 2025, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tích cực phối hợp với Cục Thú y trong giám sát dịch bệnh để Ả rập Xê út sớm mở cửa trở lại cho tôm và cá nuôi của Việt Nam. Đồng thời, tích cực đàm phán và cố gắng khai thác tốt hơn tại thị trường Trung Quốc.
Mục tiêu xuất khẩu 2025 đặt ra còn khá khiêm tốn
Năm 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 – 2030. Do đó, ông Phạm Quang Toản thông tin, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương Chiến lược phát triển thủy sản đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu “Chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản” và “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”.
Về việc này, ông Trần Đình Luân cho hay, có hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà ngành thủy sản sẽ tập trung trong năm 2025, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng giống tôm nói riêng, giống thủy sản nói chung và việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Năm 2025, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng 2% so với năm 2024, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 390 nghìn ha; diện tích nuôi mặn, lợ 937 nghìn ha. Tổng sản lượng khoảng 9,6 triệu tấn, tương đương năm 2024, trong đó sản lượng khai thác gần 3,66 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng hơn 5,95 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10,5 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Thủy sản diễn ra sáng 3/1 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thắm |
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể…, cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…
Liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đội tàu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc; trước trong và sau Tết phải tích cực kiểm tra tình hình tại các địa phương.
Thời gian qua, khoa học – công nghệ đã có nhiều đóng góp lớn nhưng trước bối cảnh mới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần thay đổi mạnh mẽ, “khoa học phải từ thực tiễn, phải phục vụ lại thực tiễn”. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác quốc tế, quan tâm đến chế biến, phát triển thị trường, phát huy sự phối hợp với các đơn vị, tăng cường công tác truyền thông… Ngoài ra, chuyển đổi xanh là xu thế của thế giới không thể bàn cãi…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt trên 10 tỷ USD. Ngành tôm đã đạt được mức xuất khẩu gần 3,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Xuất khẩu cá tra cũng quay lại mốc 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước. Xuất khẩu hải sản khai thác cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, có thể vượt mốc 10 tỷ USD, trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nam-2025-xuat-khau-thuy-san-dat-muc-tieu-105-ty-usd-367804.html