Washington và Berlin cho biết trong một tuyên bố chung hôm 10/7 rằng, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các tên lửa tầm xa ở Đức vào năm 2026, “có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các tên lửa triển khai trên bộ hiện tại ở châu Âu”.
Thủ tướng Đức đã hạ thấp nguy cơ căng thẳng với Nga do việc Mỹ triển khai tên lửa tầm xa. Trong ảnh: Một vụ phóng thử tên lửa của Mỹ. (Nguồn: BQP Mỹ). |
Phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ ở Đức sẽ không làm gia tăng căng thẳng với Nga.
Theo ông Scholz, những vũ khí này có tác dụng răn đe để ngăn chặn chiến tranh.
Ông lý giải: “Những vũ khí này tăng cường an ninh bằng cách răn đe. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc cần phải ngăn chặn chiến tranh”.
Ông Scholz cũng tái khẳng định, Đức sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine theo cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Người đứng đầu chính phủ Đức nêu rõ: “Chúng tôi thể hiện sự rõ ràng: Sẽ không có chuyện cung cấp vũ khí hoặc lựa chọn sử dụng vũ khí có thể biến cuộc xung đột Nga-Ukraine thành xung đột Nga-NATO, song các quyết định chúng tôi đưa ra ở đây luôn nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi và NATO. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đủ mạnh, đang nỗ lực đủ lớn và làm điều đúng đắn. Chắc chắn việc này bao gồm nỗ lực phòng thủ tên lửa và các khả năng răn đe”.
Washington và Berlin cho biết trong một tuyên bố chung hôm 10/7 rằng, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các tên lửa tầm xa ở Đức vào năm 2026, “có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các tên lửa triển khai trên bộ hiện tại ở châu Âu”.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ ra rằng, các kế hoạch như vậy làm tăng khả năng xảy ra cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến sự leo thang mất kiểm soát.
Trong khi đó, đề cập kế hoạch Washington triển khai tên lửa ở Đức, chuyên gia Theodore Postol, giáo sư danh dự về khoa học, công nghệ và an ninh quốc gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) mới đây đưa ra cảnh báo là một hành động leo thang “cực kì nghiêm trọng của Mỹ” liên quan đến các mối đe dọa hạt nhân của Nga.
Giáo sư Postol là chuyên gia Mỹ về phòng thủ tên lửa, từng làm cố vấn cho Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cũng như làm việc tại Đại học Stanford và Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne, cho rằng chính phủ Nga khó có thể bỏ qua hành động leo thang “cực kì nghiêm trọng” như vậy của Mỹ trong mối đe dọa hạt nhân của Nga.
Theo giáo sư Postol, tuyên bố của Washington và Berlin nghĩa là một bản sửa đổi di động của Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bờ Aegis có thể phóng các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể được triển khai ở Đức.
Chuyên gia Postol cho biết, hệ thống này đặt ra một “cảnh báo tấn công hạt nhân trong thời gian cực ngắn đối với Nga”, đồng thời nhấn mạnh đây chính là loại mối đe dọa cảnh báo hạt nhân trong thời gian rất ngắn sẽ tồn tại nếu Liên Xô trước đây không rút các tên lửa đạn đạo khỏi Cuba vào năm 1962.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thu-tuong-olaf-scholz-my-trien-khai-ten-lua-tam-xa-tai-duc-la-tang-cuong-an-ninh-bang-ran-de-278573.html