(CLO) Ngày 14/1 vừa qua, Mỹ và Armenia đã ký kết một thỏa thuận an ninh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Trong bối cảnh Nhà Trắng đã đình chỉ quan hệ đối tác với Gruzia, thỏa thuận Mỹ-Armenia được cho là động thái nhằm giành chỗ đứng của Washington ở Nam Kavkaz.
Mỹ nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở Nam Kavkaz
Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đang tìm cách làm sâu sắc thêm rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và các đồng minh thân cận một lần nữa. Vào ngày 14 tháng 1, một chương mới về quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Armenia đã được ký kết tại Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập và thỏa thuận quan hệ đối tác Mỹ-Armenia vừa được ký kết sẽ mang đến nhiều cơ hội mở rộng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Được biết, công tác chuẩn bị để ký kết thỏa thuận bắt đầu cách đây khoảng 6 tháng. Vào tháng 6/2024, sau một cuộc họp đặc biệt, chính phủ hai nước đã thông qua tuyên bố chung về kế hoạch nâng đối thoại lên quan hệ đối tác chiến lược.
Nội dung trọng tâm của thỏa thuận liên quan đến hợp tác quân sự. Theo đó, phía Mỹ cam kết hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống phòng thủ, tổ chức các cuộc tập trận và “cung cấp cho Yerevan những công cụ mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền nước này”. Như vậy, Armenia là quốc gia duy nhất ở khu vực Nam Kavkaz có một thỏa thuận an ninh chặt chẽ như vậy với Mỹ. Trước đó, vào tháng 11/2024, Washington đã đình chỉ đối thoại chiến lược với Gruzia.
Theo Dmitry Sidorov, Trưởng Khoa nghiên cứu khu vực nước ngoài tại Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow nhận định, mục đích của Chính quyền Tổng thống Joe Biden là nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Nam Kavkaz. Tuy nhiên, thỏa thuận mới giữa Mỹ-Armenia mang tính chất chính trị nhiều hơn, và việc Washington có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Giả định rằng, Armenia sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong các cải cách quân sự và kinh tế, nhưng điều này không có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột có thể xảy ra. Nói cách khác, thỏa thuận mới này sẽ không cung cấp cho Armenia các bảo đảm an ninh ở cùng mức độ như những bảo đảm hiện có giữa Mỹ và Israel hay Mỹ và Ukraine.
Còn Tigran Meloyan, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Địa Trung Hải thuộc Trường Đại học Kinh tế cao cấp (HSE) cho rằng, bốn trụ cột sẽ có tầm quan trọng quyết định đối với việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Armenia: thể chế dân chủ, kinh tế, năng lượng và an ninh.
Thỏa thuận đối tác chiến lược mới nhằm mục đích hệ thống hóa sự tương tác giữa hai nước, mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới và thực hiện những điều chỉnh cần thiết cho các chương trình nghị sự hiện có. Từ đây, giới chức lãnh đạo các cấp của Mỹ và Armenia sẽ thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi nhằm triển khai các chương trình chung.
Thỏa thuận hợp tác Mỹ-Armenia tạo ra “mối đe dọa” với Nga
Phản ứng trước thỏa thuận hợp tác mới giữa Mỹ và Armenia, ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, Chính phủ Armenia nên giải quyết các vấn đề với các nước láng giềng, thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ từ EU và Mỹ.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, thỏa thuận hợp tác mới giữa Mỹ-Armenia có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với khu vực Nam Kavkaz, đặc biệt là trong quan hệ với Nga. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Armenia gắn liền với những bước đi không thân thiện đối với Nga, mặc dù Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Armenia có quyền phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ. Tuy nhiên, mối lo ngại rằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác mới giữa Mỹ-Armenia sẽ làm nguội lạnh đáng kể mối quan hệ với Moscow là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Dmitry Sidorov cho rằng, việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Mỹ là sự tiếp nối nỗ lực của Thủ tướng Nikol Pashinyan nhằm tạo khoảng cách giữa Yerevan và Moscow; đồng thời, là bước tiến dài của Armenia trôi theo các cấu trúc của phương Tây và gây tổn hại đến các dự án đa phương của không gian hợp tác Á-Âu.
Mặc dù giới chức Armenia tuyên bố sẽ vẫn tham gia Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và không có ý định rời khỏi Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), song theo Dmitry Sidorov, sự xích lại gần nhau giữa Yerevan và Washington, theo cách này hay cách khác, có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác với Moscow, rõ nhất là số phận của 2 căn cứ quân sự Nga đồn trú tại Gyumri và Yerevan kể từ năm 1995.
Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa phương Tây và Gruzia, việc Armenia xích lại gần phương Tây nhằm thoát khỏi “quỹ đạo ảnh hưởng” của Nga, xung đột Armenia-Azerbaijan tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tạo ra một không gian khu vực Nam Kavkaz hết sức phức tạp, khó lường.
Rõ ràng, tình hình an ninh bất ổn tại khu vực đang tạo cho Mỹ và phương Tây một lý do rất phù hợp để đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng của Nga, đồng thời lôi kéo các nước này mở rộng hợp tác với phương Tây, nhận được sự bảo vệ từ “chiếc ô” an ninh của phương Tây trong bối cảnh các nước này không còn tin tưởng Nga như trước kia. Mặc dù, những chương trình hợp tác giữa Armenia và các nước phương Tây chưa được triển khai một cách mạnh mẽ, nhưng từng bước đưa nước này tiệm cận tiêu chuẩn quốc phòng NATO và rời xa CSTO.
Còn với Nga, việc Armenia thúc đẩy hợp tác chính trị, quân sự với Mỹ và phương Tây là kịch bản mà Nga hoàn toàn không hề mong muốn, bởi điều này phản ánh thực tế là ảnh hưởng của Nga tại khu vực Kavkaz chiến lược đang bị suy yếu.
Nga vẫn rất coi trọng mối quan hệ đồng minh với Armenia vì vai trò, vị trí quan trọng của Yerevan đối với môi trường an ninh Nga, nằm trong “quỹ đạo ảnh hưởng” và là vùng đệm an ninh chiến lược của Nga. Do đó, không loại trừ khả năng thời gian tới Nga sẽ thực hiện các biện pháp nhằm “nắn gân”, giữ chân đồng minh trước sự lôi kéo từ phương Tây.
Mặc dù quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng Armenia vẫn phụ thuộc kinh tế rất lớn vào Nga. Theo Ủy ban Thống kê Armenia, kim ngạch thương mại của Armenia với các nước EAEU năm 2023 chiếm tới 36,8% tổng kim ngạch thương mại của nước này; trong đó, kim ngạch thương mại với Nga lên tới hơn 7,3 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Ngoài ra, có tới 40% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Armenia đến từ các nhà đầu tư Nga, đạt gần 2,2 tỷ USD. Về năng lượng, Armenia rất cần nguồn cung từ các tập đoàn năng lượng của Nga.
Đầu năm 2024, các đại diện phía Armenia và Nga đã ký hợp đồng hiện đại hóa và kéo dài thời gian hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Metsamor (NPP) của Armenia đến năm 2036. Việc nâng cấp sẽ được thực hiện bởi Công ty cổ phần Dịch vụ Rustatom, một công ty con của Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga, với khoản đầu tư 65 triệu USD từ Chính phủ Armenia. Thỏa thuận này là một dấu hiệu khác cho thấy mức độ ảnh hưởng to lớn của Nga đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Armenia.
Hùng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/no-luc-cua-my-nham-tang-cuong-anh-huong-o-nam-kavkaz-post330933.html