Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với đồng minh để giải quyết “chèn ép kinh tế”. Bà Raimondo phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp các bộ trưởng thương mại trong các cuộc đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bà cho biết Mỹ “kiên quyết phản đối” các hành động chống lại Micron của Trung Quốc.
Theo bà Raimondo, Bắc Kinh nhằm vào “một công ty Mỹ mà không có bất kỳ cơ sở thực tế nào” và xem đây là hành vi “chèn ép kinh tế”, “sẽ không dung thứ hay nghĩ nó sẽ thành công”.
Ngày 21/5, nhà quản lý không gian mạng Trung Quốc thông báo Micron, nhà sản xuất memory chip lớn nhất Mỹ, không vượt qua bài đánh giá bảo mật mạng và sẽ cấm các nhà điều hành hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của công ty. Điều này làm dấy lên suy đoán Micron sẽ bị sụt giảm doanh thu nặng nề. Theo nhà phân tích Mark Li của hãng Sanford C. Bernstein, tình huống xấu nhất, Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu do lệnh cấm.
Quyết định được đưa ra một ngày sau khi lãnh đạo các nước G7 thống nhất các biện pháp chống lại “các thách thức liên quan đến hành vi phi thị trường” của Trung Quốc.
Bà Raimondo cũng nêu vấn đề Micron trong cuộc họp trước đó với Bộ trường Thương mại Trung Quốc Wang Wentao.
Bắc Kinh tiến hành điều tra Micron vào tháng 3 sau khi Mỹ ký thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan – hai nhà cung ứng công cụ sản xuất chip lớn của thế giới – để hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Phần lớn hoạt động sản xuất của Micron nằm ngoài đại lục, dù họ có dây chuyền lắp ráp mô-đun, linh kiện và nhà máy thử nghiệm tại Tây An. Các khách hàng tại Trung Quốc và Hong Kong đóng góp 16% doanh thu năm 2022 cho Micron.
Hãng chip Mỹ đã lên tiếng về rủi ro từ xung đột công nghệ Mỹ – Trung, bao gồm cạnh tranh ngày một lớn từ đối thủ Trung Quốc. Công ty thậm chí còn cảnh báo có thể bị cấm tham gia thị trường lớn nhất thế giới trong báo cáo của mình.
(Theo Reuters)