Tờ South China Morning Post ngày 14.2 dẫn lời giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ điều động gần phân nửa số tàu sân bay của mình đến Tây Thái Bình Dương trong năm nay, trong tín hiệu răn đe đối với hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Hiện có 3 tàu sân bay đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, với 2 chiếc khác đang trên đường đến. Dự kiến đây sẽ là lần đầu tiên 5 trong số 11 tàu sân bay của Hải quân Mỹ hoạt động cùng lúc trong khu vực.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang rời khỏi cảng nhà ở thành phố San Diego (bang California) và di chuyển đến Tây Thái Bình Dương, theo Viện Hải quân Mỹ.
Tàu USS George Washington cũng dự kiến được điều động đến khu vực nhằm thay thế tàu USS Ronald Reagan sẽ rời khỏi cảng Yokosuka ở Nhật Bản để bảo trì tại bang Washington (Mỹ).
USS George Washington là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được điều động đến Nhật và phục vụ từ năm 2008-2015 trước khi được thay thế bởi tàu USS Ronald Reagan để tái cung cấp nhiên liệu giữa vòng đời cho 2 lò phản ứng, cũng như để sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa.
Ngoài ra, 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đóng ở Guam và Hawaii, dự kiến sẽ ở lại Tây Thái Bình Dương lần lượt đến tháng 4 và tháng 7.
Tháng trước, các nhóm tác chiến tàu USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt tham gia diễn tập với Nhật ở biển Philippines. Theo Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm mục đích “tăng cường các hoạt động phối hợp hàng hải trên biển và khả năng sẵn sàng chiến đấu”.
Cũng trong tháng 1, tàu USS Carl Vinson diễn tập với Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung.
Theo chuyên gia Brian Hart tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các tàu sân bay là tài sản hữu hình nhất của quân đội Mỹ và việc điều động nhiều tàu sân bay đến khu vực gửi tín hiệu rất rõ ràng đến các đối phương.
“Trước cuộc chiến ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và các cuộc tấn công của Houthi ở biển Đỏ, quân đội Mỹ muốn phát tín hiệu rằng họ có thể giải quyết những tình huống đó trong khi vẫn tập trung vào khu vực ưu tiên là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông nhận định.
Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) lưu ý rằng những căng thẳng trong khu vực vẫn chưa giảm bớt.
“Sự gia tăng triển khai tàu sân bay, cũng như một loạt các hoạt động tương tác về quân sự với các đồng minh thân cận như Nhật, dường như để vừa trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực, vừa răn đe các đối thủ như Trung Quốc và Triều Tiên”, theo ông Koh.