Mỹ sẵn sàng thu hồi tất cả các giấy phép xuất khẩu dầu gần đây được cấp cho Venezuela nếu Tổng thống quốc gia Nam Mỹ này là Nicolas Maduro không thực hiện các cam kết về bầu cử.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu Brian Nichols cho biết “mọi thứ đều được đặt lên bàn”, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép được cấp gần đây cho phép Venezuela xuất khẩu dầu và khí đốt.
“Nếu họ không thực hiện các bước đã thỏa thuận, chúng tôi sẽ xóa giấy phép mà chúng tôi đã cấp”, ông Nichols cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/11 bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 ở San Francisco, Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 10, Bộ Tài chính Mỹ đã nới lỏng phần lớn các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu và vàng của Venezuela, cho phép quốc gia thành viên OPEC này xuất khẩu dầu thô, nhiên liệu và khí đốt sang các thị trường đã chọn trong 6 tháng.
Động thái này, theo phía Mỹ, là một cử chỉ thiện chí đáp lại việc chính quyền Tổng thống Maduro ký kết một thỏa thuận với phe đối lập về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Trong số các bước đã được thống nhất có việc cho phép ứng cử viên của phe đối lập tham gia tranh cử. Nhưng Tòa án Tối cao Venezuela đã đình chỉ kết quả cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập diễn ra ngày 22/10 vừa qua ở Venezuela, với người chiến thắng là bà Maria Corina Machado.
Bất chấp những bình luận của mình về khả năng tái áp đặt các lệnh trừng phạt, ông Nichols vẫn bày tỏ “tin tưởng” rằng chính quyền đương kim Tổng thống Maduro sẽ tuân thủ thỏa thuận với phe đối lập và mở đường cho bà Machado tham gia tranh cử.
Ông Maduro đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không nhượng bộ những yêu cầu mà ông cho là hành động “tống tiền” từ Mỹ.
Xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 9 đạt 800.000 thùng/ngày, mức trung bình hàng tháng cao thứ 2 trong năm nay, khi PDVSA và các liên doanh của gã khổng lồ dầu khí quốc doanh này khôi phục sản xuất, đặc biệt là ở Vành đai Orinoco.
Mặc dù Venezuela đã nâng công suất và tăng cường xuất khẩu dầu thô trong năm nay, nhưng sản lượng thường không ổn định từ tháng này sang tháng khác trong bối cảnh mất điện thường xuyên, các vấn đề về bảo trì và thiếu đầu tư để mở rộng sản lượng.
Ví dụ, trong tháng 8, quốc gia thành viên OPEC này đạt sản lượng 820.000 thùng/ngày, trong khi chỉ xuất khẩu được chưa đầy 700.000 thùng/ngày trong tháng 10, do những trục trặc tại khu vực sản xuất chính của đất nước. Điều này nói lên rằng sẽ mất thêm thời gian để Venezuela ổn định sản lượng theo hướng bền vững sau khi được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.
Phần lớn sản lượng hồi tháng 9 của Venezuela được xuất sang Trung Quốc, cả trực tiếp và thông qua các trung tâm trung chuyển.
Venezuela cũng đã tăng xuất khẩu sang đồng minh chính trị hàng đầu của mình là Cuba lên khoảng 86.000 thùng/ngày dầu thô, dầu nhiên liệu, dầu khí và xăng, từ mức 65.000 thùng/ngày trong tháng 8. Cuba đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và thường xuyên đối diện nguy cơ mất điện do tồn kho nhiên liệu thấp để vận hành các nhà máy điện.
Theo tài liệu của PDVSA và dữ liệu theo dõi tàu chở dầu LSEG, xuất khẩu dầu Venezuela của Chevron sang Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống còn khoảng 145.000 thùng/ngày, từ mức 147.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được nới lỏng, PDVSA bắt đầu kêu gọi các khách hàng truyền thống của mình thiết lập lại mối quan hệ giao dịch, chủ yếu thông qua bán hàng giao ngay. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán trước của công ty đối với tất cả các giao dịch bán hàng hóa, thiếu đấu thầu trên thị trường mở và các vấn đề về chất lượng dầu đã gây trở ngại cho quá trình thanh toán.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)