Ngày 1/6, Mỹ đã nêu ra con đường duy nhất có khả năng dẫn tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, trong khi khẳng dịnh quyết tâm tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa mang vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của Triều Tiên hôm 31/5. (Nguồn: KCNA) |
Phát biểu trong một phiên họp tại Diễn đàn Jeju vì Hòa bình và Thịnh vượng thường niên được tổ chức trên đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc, Đại sứ Mỹ tại Seoul Philip Goldberg đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao trong việc giải quyết căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Goldberg nêu rõ: “Chúng tôi vẫn tin rằng ngoại giao là cách khả thi duy nhất để đạt được một Bán đảo Triều Tiên an toàn, ổn định, không có vũ khí hạt nhân”.
Theo nhà ngoại giao, quan hệ đối tác song phương Mỹ-Hàn “bảo đảm hòa bình trong khu vực và hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng trong cộng đồng quốc tế”.
Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của công việc của hai nước trong việc ngăn chặn hành động gây hấn tiềm tàng của Triều Tiên, “đặc biệt là mối đe dọa hay việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Wahsington sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm ngăn chặn các mối đe dọa do Triều Tiên gây ra, trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên hôm 31/5, song thất bại.
Phát biểu tại Học viện Không quân Mỹ tại Colorado, ông Biden nói: “Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng tôi tăng cường quan hệ đồng minh và hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi đang cùng nhau thảo luận, phối hợp để tăng cường khả năng ngăn ngừa những đe dọa trong khu vực, bao gồm cả từ Triều Tiên”.
Ngày 31/5, Triều Tiên phóng một “thiết bị không gian” có mục đích mang theo vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của nước này về phía Nam, nhưng nó đã rơi xuống Hoàng Hải sau một “chuyến bay bất thường”.
Hàn Quốc đã lên án động thái mới nhất của Triều Tiên là vi phạm một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, vì vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ như trong chế tạo tên lửa đạn đạo.