Diễn biến tại Thái Lan, Thượng đỉnh Hàn Quốc-Liên minh châu Âu (EU), Mỹ lo ngại về hành động của quan chức Israel… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Hãng chip hàng đầu của Mỹ bị cấm tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Mỹ-Trung
* Mỹ kiên quyết bảo vệ thị trường chip: Ngày 22/5, Bộ Thương mại nước này khẳng định sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết “những biến dạng của thị trường chip bởi các hành động của Trung Quốc”.
Tuyên bố của Bộ này cũng nêu rõ: “Bên cạnh các cuộc tấn công và nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ gần đây, động thái trên của Trung Quốc không nhất quán với những khẳng định của nước này về việc mở cửa thị trường và cam kết minh bạch pháp lý”.
Hành động của phía Mỹ được đưa ra ít lâu sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc công bố, các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) đã không vượt qua cuộc đánh giá an ninh mạng.
Về phần mình, phát biểu tại một hội thảo ở Thượng Hải với sự góp mặt của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, các tập đoàn Johnson & Johnson và Honeywell International (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục chào đón các công ty Mỹ tới phát triển tại nước này.
Quan chức trên nêu rõ: “Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và cải thiện. Tiềm năng thị trường tiếp tục được giải phóng. Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm công ty Mỹ”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Samsung Electronics phối hợp Nhật Bản mở rộng sản xuất bán dẫn |
Nga-Trung
* Nga nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc: Phát biểu ngày 22/5, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết, phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc là một lộ trình chiến lược với xứ bạch dương.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, hợp tác song phương không nhằm chống lại các nước khác. Dự kiến, trong cùng ngày, ông Patrushev sẽ gặp Bí thư Ủy ban chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Văn Thanh để thảo luận về các vấn đề an ninh.
Trước đó, ngày 19/5, bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tới Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, quan hệ hợp tác song phương rất bền chặt và có tiềm năng to lớn. (Reuters/TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Biden nhận định về căng thẳng Mỹ-Trung Quốc |
Đông Nam Á
* Bầu cử Thái Lan: Lãnh đạo đảng Tiến bước bị kiện: Ngày 22/5, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đang xem xét thông tin về việc lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat có đủ tư cách tham gia tranh cử hay không khi ông sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông.
Trước đó, Bangkok Post dẫn một nguồn tin cho biết, EC đang xem xét đơn kiến nghị của nghị sĩ đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) Ruangkrai Leekitwattana, về việc ông Pita đã không khai báo quyền sở hữu 42.000 cổ phiếu ở công ty truyền thông iTV cho Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) trước khi nhậm chức nghị sĩ năm 2019. Cổ phiếu này có giá trị 5 Baht/cổ phiếu.
Bản kiến nghị cũng đặt ra câu hỏi liệu việc đăng ký các ứng cử viên nghị sĩ của MFP trong tất cả 400 khu vực bầu cử cũng có thể bị tuyên bố là không hợp lệ nếu ông Pita, người đã phê duyệt đăng ký của họ, bị loại vì vấn đề cổ phần của iTV.
Về phần mình, ông Pita cho biết không sở hữu số cổ phần này vì thừa kế chúng từ cha mình. Các cổ phiếu được liệt kê dưới tên của ông Pita bởi khi đó ông được chọn là người thi hành, tiếp nhận di sản của người quá cố. Ông cũng khẳng định đã giải thích vấn đề với cơ quan bầu cử trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Bangkok Post cũng dẫn một nguồn tin của EC cho biết, ủy ban không thể viện dẫn luật tổ chức về bầu cử nghị sĩ trong trường hợp của ông Pita, vì mục 61 của luật quy định EC chỉ có thể loại bỏ một cá nhân với tư cách ứng cử viên nghị sĩ trước khi cuộc bầu cử kết thúc. Hiện cuộc bầu cử đã kết thúc và EC không có cơ sở pháp lý để loại bỏ một ứng cử viên hoặc nghị sĩ đắc cử.
Ngoài ra, mục 82 của Hiến pháp nói rằng, EC chỉ có thể tước tư cách nghị sĩ của bất kỳ ai sau khi vụ việc của họ đã được chuyển đến Tòa án Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Vì ông Pita chưa được chính thức xác nhận là nghị sĩ sau cuộc bầu cử mới nhất, nên EC phải đợi cho đến khi xác nhận ông Pita trước khi có thể áp dụng phần này
Trong khi đó, ông Ruangkrai cho biết, vào ngày 24/5 ông sẽ đệ trình EC các tài liệu bổ sung, gồm danh sách các cổ đông của iTV từ năm 2006 và sơ đồ thể hiện thu nhập của iTV từ năm 2006 đến năm ngoái, để hỗ trợ cho báo cáo, với hy vọng EC sẽ có thể tăng tốc độ điều tra và chuyển vụ việc Pita ra tòa. (Bangkok Post)
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm nhấn từ hai cuộc bầu cử |
Nam Thái Bình Dương
* Mỹ: Thỏa thuận ở Thái Bình Dương không nhắm vào bên thứ ba: Ngày 22/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương tại Papua New Guinea.
Tại cuộc gặp, ông Modi nhấn mạnh, Ấn Độ sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy trong bối cảnh khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định cam kết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trước đó, viết trên Twitter, ông Modi cho biết đã thảo luận “các cách tăng cường hợp tác về thương mại, công nghệ, chăm sóc sức khỏe và giải quyết biến đổi khí hậu” với người đồng cấp Papua New Guinea James Marape trong cuộc gặp cùng ngày.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa nước này và Papua New Guinea, đồng thời tham dự cuộc họp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Đồng thời, ông khẳng định các thỏa thuận nêu trên không liên quan hay nhằm vào bất kỳ một bên thứ ba nào khác.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ cung cấp 45 triệu USD vào các quỹ mới để hợp tác với Papua New Guinea nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh, bao gồm trang thiết bị bảo vệ cho lực lượng phòng vệ của quốc đảo này, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đối phó tội phạm xuyên quốc gia và HIV/AIDS. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Quốc đảo Thái Bình Dương cho phép Mỹ tiếp cận sân bay, hải cảng |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản phản đối tuyên bố G7: Ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Tarumi Hideo để phản đối tuyên bố của G7 về đảo Đài Loan và các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã thể hiện sự “bất bình mạnh mẽ và phản đối kiên quyết” của Bắc Kinh đối với các tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Nhật Bản chủ trì tại Hiroshima.
Đáp lại, Đại sứ Tarumi khẳng định, trừ khi Trung Quốc thay đổi hành vi của mình, các nước G7 sẽ tiếp tục bày tỏ những quan ngại chung của họ về Bắc Kinh. (Kyodo)
* Hàn Quốc, EU sẽ thúc đẩy quan hệ an ninh: Ngày 22/5, nhân dịp 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tổ chức Thượng đỉnh tại Seoul với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EP) Charles Michel. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, y tế và chuỗi cung ứng.
Tổng thống Yoon nhấn mạnh: “Hàn Quốc và EU là những đối tác quan trọng cùng chia sẻ các giá trị phổ quát về tự do, nhân quyền và pháp quyền”.
Tại hội nghị, hai bên cũng đã nhất trí thiết lập Đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình và an ninh toàn cầu. (Reuters)
* Hàn Quốc, Đức thảo luận quan hệ kinh tế, chuỗi cung ứng: Ngày 22/5, tại thủ đô Seoul, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun và Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề kinh tế, tài chính và châu Âu thuộc Quốc hội Đức Jorg Kukies đã thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và chuỗi cung ứng công nghiệp.
Hai bên chia sẻ các biện pháp chính sách trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nhất trí tiếp tục tham vấn về cách thức phối hợp để duy trì tính ổn định cho chuỗi cung ứng.
Ông Ahn cũng yêu cầu sự hợp tác của Đức liên quan đến các quy định mới của EU về phát thải, trợ cấp nước ngoài và các vấn đề khác, nhấn mạnh các quy định này không nên phân biệt đối xử với Hàn Quốc và doanh nghiệp nước ngoài khác.
Theo thống kê chính phủ, Đức là đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc tại châu Âu, với kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ luc 33,7 tỷ USD năm ngoái. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Hàn-Nhật có thể sắp tổ chức sự kiện lớn, Hàn Quốc loại trừ khả năng Nhật Bản gia nhập nhóm này |
Châu Âu
* EU nêu điều kiện đưa một ngân hàng Nga trở lại SWIFT: Ngày 22/5, Izvestia (Nga) dẫn lời người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Peter Stano cho biết, khối này có thể khôi phục quyền truy cập vào hệ thống thanh toán SWIFT cho ngân hàng nông nghiệp của Nga với điều kiện là xung đột hiện nay ở Ukraine kết thúc.
Tuần trước, các bên đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thêm 2 tháng. Tuy nhiên, phía Moscow cho biết họ muốn thấy nhiều sự nới lỏng hơn trong việc triển khai các gói trừng phạt đối với xứ bạch dương, bao gồm cả việc đưa ngân hàng nông nghiệp Nga Rosselkhozbank trở lại hệ thống SWIFT. (Izvestia)
*Châu Âu-Mỹ có thể sớm hoàn tất thỏa thuận chuyển dữ liệu: Ngày 22/5, phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn của EC cho biết, cơ quan này dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận chuyển dữ liệu với Mỹ trước mùa Hè năm nay, sau khi cơ quan quản lý quyền riêng tư của Ireland cho tập đoàn công nghệ Meta 5 tháng để ngừng chuyển dữ liệu của người dùng qua Đại Tây Dương.
Quan chức trên nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng khuôn khổ bảo vệ dữ liệu này giữa EU và Mỹ sẽ sớm có hiệu lực trước mùa Hè, qua đó bảo đảm sự ổn định và tính chắc chắn của pháp luật”.
Trước đó cùng ngày, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland cho biết, Meta – chủ sở hữu Facebook – đã bị phạt mức tiền kỷ lục 1,2 tỷ Euro (1,3 tỷ USD) vì chuyển dữ liệu người dùng EU sang Mỹ, hành vi vi phạm quy định về bảo mật của khối. (Reuters)
* Thủ tướng Hy Lạp hối thúc tổ chức bầu cử mới: Ngày 22/5, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng, một bầu cử mới “có thể diễn ra ngày 25/6”.
Phát biểu với Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, ông Mitsotakis nêu rõ: “Chúng ta sẽ tiến hành các cuộc bầu cử mới… càng sớm càng tốt”. Chính trị gia này cũng cho rằng, không có khả năng thành lập chính phủ mới dưới thời Quốc hội hiện tại.
Trước đó, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử ngày 21/5 cho thấy, đảng Dân chủ mới cầm quyền của ông Mitsotakis giành chiến thắng cách biệt (với 40,8% phiếu bầu). Tuy nhiên, đảng này vẫn có thể phải tiến hành liên minh, hoặc bước vào vòng 2 vì không đạt được đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ. (AFP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Hy Lạp: Đảng cầm quyền dẫn trước |
Châu Mỹ
* Đàm phán về trần nợ công Mỹ tiếp tục vào ngày 22/5: Ngày 21/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết, cuộc điện đàm trước đó cùng ngày với Tổng thống Joe Biden về nâng trần nợ công là “hữu ích”. Ngay khi ông Biden trở về từ Thượng đỉnh G7, hai bên sẽ gặp nhau để tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông tin, đàm phán cấp chuyên viên được nối lại vào tối 21/5 (giờ Mỹ), trước khi Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Biden gặp nhau trực tiếp. Trong khi đó, ông McCarthy cho biết, các hạ nghị sĩ Cộng hòa là Garret Graves và Patrick McHenry tham dự các cuộc đàm phán này. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ ra ‘tối hậu thư’ hạn chót để nâng trần nợ công vẫn là 1/6 |
Trung Đông-Châu Phi
* Mỹ chỉ trích chuyến thăm Núi Đền của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel: Ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về chuyến thăm gây tranh cãi đến Núi Đền ở Jerusalem và lời lẽ kích động đi kèm. Không gian linh thiêng này không nên được sử dụng cho mục đích chính trị và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng sự linh thiêng của nó.
Nói rộng hơn, chúng tôi xác nhận lại quan điểm của Mỹ trong ủng hộ trạng thái bình thường lịch sử tại những địa điểm linh thiêng ở Jerusalem và nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Jordan là giám hộ các địa điểm linh thiêng Hồi giáo ở Jerusalem”.
Trước đó, ngày 21/5, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đã có chuyến thăm Núi Đền, địa điểm được coi là linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và Do Thái giáo.
Đây là chuyến thăm thứ hai của quan chức Nhà nước Do Thái tới địa điểm này kể từ tháng 1. Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lên tiếng phản đối hoạt động trên. (Sputnik)