Mỹ khẳng định việc triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa và binh lính tới Trung Đông là nhằm đối phó với các cuộc tấn công mới tại đây.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. (Nguồn: LOCKHEED MARTIN) |
Ngày 21/10, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này sẽ triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông. Người đứng đầu Lầu Năm góc Lloyd Austin khẳng định, động thái trên diễn ra sau khi ông có cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bên cạnh đó, ông Austin cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang điều động thêm binh sĩ sẵn sàng triển khai tới khu vực, song không nêu số lượng chi tiết.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay.
Khẩu đội THAAD đầu tiên được triển khai trong quân đội Mỹ năm 2008. Hiện các hệ thống này đã có mặt trên lãnh thổ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Israel, Romania và Hàn Quốc.
Sự hiện diện của THAAD trên đất Hàn Quốc từng bị Trung Quốc chỉ trích gay gắt. Năm 2016, Bắc Kinh từng hạn chế thương mại và cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hóa, dịch vụ của Seoul để phản đối THAAD.
Năm 2022, quan chức Trung Quốc từng khẳng định các hệ thống này “làm suy yếu lợi ích chiến lược” của nước này. Ít lâu sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin từng nhất trí “coi trọng các mối quan tâm chính đáng của nhau”. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong Sup khẳng định chính sách về THAAD sẽ không thay đổi vì sự phản đối của Trung Quốc. Đồng thời, radar có tầm hoạt động rộng của hệ thống này sẽ không được sử dụng để đối phó Bắc Kinh.
Trong một diễn biến khác, nguồn tin từ lực lượng an ninh Iraq cho biết một máy bay không người lái (UAV) đã tấn công căn cứ không quân Ain al-Assad, thuộc tỉnh Anbar, phía Tây nước này ngày 21/10. Đây là nơi có lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đồn trú. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa xác nhận về thông tin này.
Một nguồn tin khác cho biết, vụ tấn công gồm 2 UAV, trong đó một chiếc đã bị đánh chặn và một chiếc lao xuống đất do trục trặc kỹ thuật. Ngay sau vụ việc, Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã đăng tải tuyên bố trên kênh Telegram của nhóm này, thừa nhận gây ra vụ tấn công trên.
Gần đây, nhiều nhóm vũ trang gia tăng đe dọa tấn công vào lợi ích Mỹ tại Iraq do lập trường ủng hộ của Washington với Israel sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.
Kể từ ngày 18/10, 3 căn cứ quân sự của Iraq được sử dụng bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu đã trở thành mục tiêu của 5 vụ tấn công khác nhau. Mỹ hiện có 2.500 binh sĩ đồn trú tại 3 căn cứ này, cùng với 1.000 binh sĩ từ các quốc gia khác trong liên minh được thành lập để chống lại nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.