Làng Đông Nhật (xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) chuyên sản xuất bánh đa (còn gọi là bánh khô), kẹo lạc. Nếu như kẹo lạc đắt hàng vào dịp cuối năm thì “đại mùa” bánh đa chính là dịp hè, khi nhiệt độ cao, số giờ nắng trong ngày kéo dài.
Theo ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, địa phương có hơn 20 hộ dân ở làng Đông Nhật sản xuất bánh đa ở quy mô vừa.
“Trước đây các công đoạn sản xuất bánh đa hoàn toàn bằng thủ công. Hiện, bà con đầu tư máy móc, làm theo hướng tự động hóa nên năng suất cao hơn, sử dụng lao động ít hơn, thu nhập vì thế cũng cải thiện hơn trước”, ông Quang nói.
Bánh đa Đông Nhật được làm từ gạo ngâm kỹ qua đêm, xay mịn, hấp chín, rắc thêm hạt vừng đen. Mùi thơm của gạo quê và vị thơm, bùi, béo của vừng tạo nên hương vị đặc trưng khó lẫn của thứ quà dân dã này.
Sau khi được tráng, hấp chín qua hệ thống nồi hơi, bánh có màu trong, dai, mùi thơm và vị ngọt nhẹ của gạo. Trung bình 1kg gạo sẽ tráng được 20-25 bánh đa, tùy độ dày, mỏng theo yêu cầu của khách.
Bánh đa sau khi hấp chín được dỡ ra, cho lên tấm liếp tre mắt thưa mang đi phơi. Vào dịp hè, người dân tranh thủ trời nắng mạnh để tăng sản lượng, lưu kho, cung cấp cho thị trường trong những thời điểm thời tiết mưa rét.
Mặc dù đã thay nồi hơi đun trên than củi thành hệ thống tráng tự động nhưng thợ tráng bánh đa, đổ bánh ra khuôn cũng mướt mồ hôi trong những ngày hè nơi “chảo lửa” xứ Nghệ.
Bánh sau khi rải lên liếp tre được đưa ra bãi, sân hay hai bên bờ đê Tả Lam để phơi. Trời nắng, bánh đa sẽ mau khô, màu sắc đẹp và giữ được vị thơm, ngon của nguyên liệu.
“Dịp này, trung bình mỗi ngày, gia đình chúng tôi tráng 1 tạ gạo, tương đương 2.000 chiếc bánh. Công việc thường bắt đầu từ khoảng 4h để phơi kịp nắng”, ông Nguyễn Đình Khang (67 tuổi), chủ một xưởng sản xuất bánh đa tại làng Đông Nhật, nói.
Trong nền nhiệt 37-39 độ C, bánh đa phơi khoảng 2 tiếng đồng hồ là đạt.
Mặc dù bánh chỉ phơi 2 tiếng nhưng mỗi mẻ bột, người phơi phải làm liên tục để vận chuyển bánh ra sân, lật, trở bánh, căn thời gian để thu bánh lại. Vào những ngày nắng, các hộ sản xuất phải thuê thêm nhân công. Tiền công được trả theo ngày, mức trên 200.000 đồng/công lao động.
Người lao động trang bị nón, khẩu trang, găng tay kín mít để tránh tác động của nắng nóng, nhất là thời gian cao điểm 10h-12h hàng ngày, khi ngưỡng nhiệt độ ngoài sân phơi lên tới hơn 40 độ C.
Trời nắng nóng, gió phơn Tây Nam khô là điều kiện lý tưởng để sản xuất bánh đa. Tuy nhiên, nếu phơi quá độ, bánh sẽ bị cứng, dễ vỡ, cong vênh và không giữ được hương vị vốn có. Do vậy, khâu căn thời gian và đánh giá độ khô của bánh hết sức quan trọng.
“Sản phẩm bánh đa làng nghề Đông Nhật đã gây dựng được thương hiệu, xuất đi các đại lý, khu du lịch ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Hai năm trước, thị trường bánh đa Đông Nhật bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà con sản xuất cầm chừng. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất đã có tín hiệu phục hồi mạnh.
Sản xuất bánh đa đóng góp đáng kể vào thu nhập cho các hộ dân và tạo việc làm cho lao động địa phương”, ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, cho biết.
Nội dung: Hoàng Lam
Ảnh: Hiền Quân