Sở hữu vẻ ngoài “hao hao” món bánh gạo Tokbokki của Hàn Quốc, thế nhưng, nhiều người bất ngờ khi biết bánh đá lại là đặc sản dân dã, quen thuộc ở vùng cao Hà Giang.
Một vài “cư dân mạng” trên TikTok bàn luận: “Nghe đến cái tên ‘bánh đá’ thôi là đã khơi gợi biết bao nhiêu sự thắc mắc rồi. Răng nào mà chọi với đá cho nổi ta?”; “Nghe có vẻ giống món ở nước ngoài nhưng thực chất đây lại là đặc sản ở Việt Nam đó”.
Rồi có người thì bảo khi mới mua về, chiếc bánh đúng nghĩa là “cứng như đá”. Thậm chí, khi để hai chiếc bánh đánh vào nhau thì sẽ phát ra tiếng kêu côm cốp như hai cục đá.
Đặc sản có cách bảo quản “lạ đời”
Giữa vùng núi rừng Hà Giang, từ lâu đã xuất hiện một loại đặc sản gây quyến luyến cho biết bao người. Đó là bánh đá (còn gọi là bánh Lơ khoải).
Những chiếc bánh đá là đặc sản riêng có của người Dao, người Nùng vùng rẻo cao Hà Giang.
Chúng thường xuất hiện vào những dịp truyền thống như ngày Lễ, Tết của dân tộc Dao áo dài.
Tương truyền, chiếc bánh đá truyền thống được làm to như viên gạch, có hình dạng tròn, thuôn dài.
Người ta thường đem để gần những con suối quanh nhà, sau vài tháng là có thể ăn được.
Bởi thuở xưa, trên vùng cao chưa có điện, tủ lạnh, nhiều người không có điều kiện bảo quản lương thực. Nguồn thực phẩm lúc nhiều lúc ít. Họ phải tự nghĩ cách để thức ăn có thể sử dụng được lâu hơn.
Lúc này, những chiếc bánh “vứt” dưới các con suối đá chính là cách mà người dân vùng cao trữ lương thực và thưởng thức sau những buổi đồng áng mệt nhọc.
Để có được chiếc bánh đá nguyên bản, chuẩn chỉnh cũng lắm kỳ công và tốn nhiều công sức.
Người Dao áo dài, người Nùng sau khi thu hoạch lúa chín đã “tuyển chọn” những hạt gạo thơm.
Gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỉ lệ nhất định, sau đó đem ngâm với nước trong từ 4 đến 5 tiếng, ngâm xong thì lại đem phơi khô, mang đi nghiền.
Sau đó, đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch.
Nhưng thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau.
Người nào khéo tay thì sẽ có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau.
Bánh thành khuôn sẽ để nguội hẳn rồi cho vào hộp, ủ rơm 3 ngày.
Khi ngửi thấy có mùi mốc thì người ta sẽ mang bánh đá ra suối ngâm. Lúc nào có nhu cầu ăn thì ra suối mò về.
Những chiếc bánh đá Hà Giang đủ sắc màu nhờ vào màu tự nhiên từ các loại lá như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, nghệ hay gấc. Với sự kết hợp cùng các loại lá, bánh đá cũng có hương vị thơm ngon hơn.
Bánh đá ngon nhất là chấm sữa đặc
Trên mạng xã hội TikTok, nhiều bạn trẻ chỉ ra muôn vàn biến tấu của món bánh đá.
Cách ăn phổ biến nhất là chiên với dầu nóng hoặc nướng trên bếp than hoa (có thể dùng nồi chiên không dầu). Lúc này, món bánh dẻo trong giòn ngoài, tựa như chiếc bánh gạo Tokbokki trứ danh ở Hàn Quốc.
Nhiều người mua loại bánh này về thưởng thức, quay clip hướng dẫn trên TikTok rằng bánh đá chiên có thể chấm với mắm, tương ớt nhưng ngon nhất vẫn là chấm với sữa đặc.
Một cách chế biến bánh đá đặc sắc nữa là nấu thắng dền.
Bánh đá thái từng sợi nhỏ. Gừng đập nát, rồi cho vào nồi nước có đường phên đun sôi, sau đó thả từng miếng bánh đã được thái chỉ vào nồi, chờ nước sôi là múc ra bát ăn.
Từng miếng bánh đá lúc này đã dẻo, quyện cùng mùi gừng và vị ngọt của đường phên trở thành một món ăn độc đáo của người vùng cao.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn nấu bánh đá với sốt cay, sánh như món Tokbokki của Hàn Quốc.
Một số người thì đem bánh thái sợi, luộc qua với nước nóng rồi đem đi nấu với nước lèo như phở, bánh canh…
Nguồn: https://tuoitre.vn/hot-trend-banh-da-ha-giang-nhin-cung-nhu-da-nhung-deo-gion-20240530140629044.htm