Ông Lợi mới chuyển từ quê lên TPHCM ở cùng con cái. Để tiện cho việc khám chữa bệnh đúng tuyến gần nơi mình ở, ông Lợi muốn thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Tuy nhiên, khi ông chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu trong danh sách bệnh viện ở nơi mình cư trú thì không chuyển được vì nơi ông đăng ký đã quá tải, không nhận thêm bệnh nhân.
Tương tự ông Lợi, bà Mỹ đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT theo hợp đồng làm việc là Bệnh Viện Thống Nhất (quận Tân Bình), gần nhà. Sau đó, bà Mỹ được công ty thông báo là Bệnh viện Thống Nhất đã kín chỗ, chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu của bà về Bệnh viện Bình Thạnh. Bất tiện là bệnh viện này rất xa nhà bà.
Bà Mỹ hỏi: “Bảo hiểm chuyển nơi đăng ký nguyện vọng khám chữa bệnh của tôi như trường hợp này có đúng không? Nếu đúng thì khi khám bệnh ở bệnh viện khác, trái tuyến thì tôi được hưởng chế độ thế nào?”.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT được quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT.
Theo đó, người tham gia BHYT được quyền đăng ký ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã/huyện phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.
Do đó, việc tiếp nhận đăng ký của người tham gia BHYT còn tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam hướng dẫn bà Mỹ: “Trường hợp Bệnh viện quận Bình Thạnh không thuận tiện với nơi làm việc hoặc nơi cư trú của bạn thì vào tháng đầu mỗi quý, đề nghị bạn mang thẻ BHYT tới cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và lựa chọn cơ sở y tế phù hợp”.
Trong trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến và thực hiện đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì sẽ được quỹ BHYT chi trả tùy vào cơ sở y tế.
Thứ nhất, tại các bệnh viện tuyến huyện, người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ.
Thứ hai, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ. Trường hợp người bệnh chỉ khám chữa bệnh ngoại trú thì sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT.
Thứ ba, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ. Trường hợp người bệnh chỉ khám chữa bệnh ngoại trú thì sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/muon-dang-ky-bhyt-o-benh-vien-gan-nha-ma-khong-duoc-20240916123140427.htm