Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết quả lựu là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin và khoáng chất.
Hàm lượng kali cao
Trong số nhiều khoáng chất có trong quả lựu, kali chứa hàm lượng cao. Kali là khoáng chất có vai trò rất quan trọng điều hòa huyết áp và dẫn truyền thần kinh.
Chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp bảo vệ các tế bào khỏi các các gốc tự do. Lựu rất giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất polyphenolic, bao gồm punicalagin, anthocyanin và tannin thủy phân giúp bảo vệ cơ thể ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra, do lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có công dụng rất tốt trong làm đẹp, điển hình giúp làn da sáng mịn. Rất nhiều sản phẩm làm đẹp chiết xuất từ lựu có tác dụng chống khô, mụn và thúc đẩy tái tạo các tế bào da khỏe mạnh.
Ăn lựu còn có thể giúp hỗ trợ sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lựu có thể làm tăng mức độ vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Ngoài ra, màng hạt lựu rất giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa.
Tốt cho cả phụ nữ mang thai và trẻ em
Các chất dinh dưỡng như đồng, sắt, kali, chất xơ… cùng các loại vitamin có thể giúp bảo vệ cơ thể giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và tim mạch. Lượng vitamin C dồi dào trong lựu chính là một chất giúp làm tăng hệ miễn dịch của cơ thể, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, virus trong quá trình mang thai. Ngoài ra, ăn lựu khi mang thai còn có tác dụng tích cực với hệ xương của bà bầu lẫn thai nhi. Vitamin C giúp cơ thể dễ hấp thu sắt mà trái lựu lại giàu cả 2 chất này, nhờ đó giúp tăng hấp thu sắt.
“Ngoài ra lựu là một siêu thực phẩm đối với trẻ em. Lựu có thể giúp tạo ra hồng cầu trong cơ thể và làm tăng lượng haemoglobin trong máu. Ăn lựu còn giúp đáp ứng tốt nhu cầu chất xơ, vitamin, kali hằng ngày cho trẻ”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
“Theo y học cổ truyền, lựu có tác dụng sinh tân chỉ khát (làm tăng thủy dịch trong cơ thể và giải khát). Nếu là loại lựu chua, còn có thêm tác dụng sáp trường (làm săn niêm mạc ruột), chỉ huyết (cầm máu) dùng trái lựu để chữa một số bệnh có xuất huyết, chữa hoạt tả (tiêu chảy), kiết lỵ lâu ngày, khí hư ở phụ nữ… Quả lựu còn là vị thuốc góp phần cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Bác sĩ Vũ lưu ý, lựu có tương tác với một số thuốc điều trị tăng huyết áp, nên cần phải thận trọng, tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi ăn.