Ông Ronald Ferguson – giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard (Mỹ) – đã dành ra hơn 10 năm để nghiên cứu phong cách học tập và làm việc của những nhân vật thành công hàng đầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông Ferguson nhận thấy rằng cách cha mẹ nuôi con có vai trò rất quan trọng trong sự thành công của một con người xuất chúng.
“Tôi nhận ra rằng có những điểm chung trong hành trình trưởng thành của những con người xuất chúng. Những điểm chung này có thể phân ra thành 8 vai trò quan trọng mà cha mẹ của họ đã thực hiện trong hành trình trưởng thành của con cái”, ông Ferguson cho hay.
Bạn học đầu tiên: Với vai trò này, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng niềm hứng thú học tập cho con từ những năm tháng đầu đời, từ trước khi con học tiểu học. Ông Ferguson đánh giá vai trò của “người bạn học đầu tiên” là vai trò quan trọng nhất trong số 8 vai trò mà cha mẹ đảm nhận trong hành trình trưởng thành của con.
Những đứa trẻ có thành tích ấn tượng nhất ở tuổi trưởng thành thường có xu hướng biết đọc từ sớm. Điều này giúp tạo nên “hiệu ứng người dẫn đầu” trong tâm lý của trẻ, giúp trẻ có trạng thái tích cực khi đi học, bởi trẻ đã có sự chuẩn bị tốt và thường nhận được những lời khen ngợi từ giáo viên.
Cơ phó đồng hành: Với vai trò “cơ phó” trong hành trình phát triển của trẻ, cha mẹ cần kiểm soát môi trường sinh sống và học tập của trẻ, đảm bảo rằng con đang được tạo điều kiện tốt để phát triển. Khi nhận ra có những điều bất ổn, cha mẹ cần can thiệp để cải thiện điều kiện môi trường.
Điều này không có nghĩa cha mẹ cần luôn ở bên theo dõi và tham gia quá sâu vào từng hoạt động của con. Ngược lại, cha mẹ cần tạo ra khoảng không phù hợp, sự tự do nhất định để trẻ có thể tự phát triển những mối quan hệ, học cách tương tác, tự xử lý vấn đề, tự tìm ra điều mình hứng thú.
Người sửa chữa: Rất khó để tạo ra môi trường sinh sống và học tập hoàn hảo dành cho trẻ. Sẽ luôn có những vấn đề khiến cha mẹ phải suy nghĩ và thấy rằng mình vẫn chưa đưa lại điều kiện phát triển lý tưởng nhất cho con. Đây là một thực tế chung thường thấy.
Với vai trò “người sửa chữa”, cha mẹ sẽ trực diện nhìn nhận những vấn đề thách thức của bản thân trong hành trình nuôi dạy con cái và nỗ lực cải thiện.
Chẳng hạn, một gia đình có thể đang gặp phải khó khăn kinh tế, nhưng cha mẹ nỗ lực cân đối chi tiêu và đặt ưu tiên cho việc học tập của con. Khi ấy, việc thiếu nguồn lực tài chính đã có hướng xử lý, cha mẹ sẽ cùng thống nhất, đồng lòng vượt qua khó khăn và có một mục tiêu chung.
Người mở rộng tầm nhìn: Cha mẹ có thể giúp con gia tăng hiểu biết, mở rộng tầm nhìn bằng việc dành thời gian đưa con tới thăm các viện bảo tàng, triển lãm, khuyến khích con dành thời gian trong thư viện… Tất cả những hoạt động này đều sẽ giúp mở rộng nhãn quan cho trẻ.
Dù cha mẹ không có học vấn cao, không có nguồn lực tài chính dồi dào, họ vẫn có thể tạo nên những trải nghiệm hữu ích cho con cái.
Nhà tư tưởng: Theo giáo sư Ferguson, đây là vai trò quan trọng thứ hai trong việc làm cha mẹ, bởi với vai trò “nhà tư tưởng”, cha mẹ sẽ giúp con tìm được hướng đi, mục đích cho bản thân mình.
Cha mẹ không nên đánh giá thấp năng lực nắm bắt những ý tưởng lớn ở trẻ. Cha mẹ đừng ngần ngại hỏi và trả lời trẻ những câu hỏi sâu sắc về cuộc đời. Có thể chính cha mẹ sẽ bất ngờ trước cách con cái thấu hiểu những đề tài tưởng như vượt quá tầm hiểu biết của con.
Hình mẫu đẹp: Với vai trò này, cha mẹ cần có quan điểm rõ ràng về những giá trị tốt đẹp mà cả gia đình cùng trân trọng. Cha mẹ cần thống nhất quan điểm và thể hiện rõ ràng bằng hành động thực tế hằng ngày. Điều này sẽ khiến trẻ thực sự tin tưởng và trân trọng những giá trị tốt đẹp mà cha mẹ đặt ra trong đời sống gia đình.
Người đàm phán: Cha mẹ cần dạy trẻ cách cư xử tôn trọng, chừng mực khi có bất đồng quan điểm hoặc thậm chí bị đối xử không đẹp. Trẻ cần học cách lên tiếng, tự bảo vệ bản thân, bênh vực cho những điều đúng đắn mà trẻ tin tưởng trong trường hợp cần thiết.
Dù vậy, trong hầu hết mọi trường hợp, trẻ cần học cách tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân, đối thoại và tương tác trong sự bình tĩnh, khôn ngoan như một người đàm phán.
Người bạn tinh thần vĩnh cửu: Cha mẹ không thể mãi đồng hành bên con cái. Đến một thời điểm, con cái sẽ có cuộc sống độc lập của riêng mình và không thường xuyên ở bên cha mẹ nữa. Lúc này, tiếng nói của cha mẹ vang vọng trong tâm tưởng của con sẽ giúp con đi qua những trải nghiệm đầu đời một cách có định hướng, dựa trên những giá trị tốt đẹp mà cha mẹ luôn đề cao.
Giáo sư Ferguson tin rằng điều quan trọng nhất ở cha mẹ chính là mong muốn và quyết tâm làm cha mẹ tốt. Ông Ferguson gọi đây là “ngọn lửa nhiệt tâm” giúp mỗi bậc phụ huynh có được tầm nhìn về cách nuôi dạy con, giúp con trở thành những công dân tốt đẹp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/muon-con-cai-thanh-cong-cha-me-can-hoan-thanh-8-vai-tro-20240805103600460.htm